Dân Việt

Thắng lớn mùa tôm, dân xã này thu về hơn 25 tỷ đồng

Vũ Viễn 06/08/2018 18:30 GMT+7
Xã Kỳ Thọ - địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với trên 200ha vừa giành thắng lợi trong vụ nuôi xuân hè 2018. Với năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha, vụ này các chủ đầm tôm Kỳ Thọ thu về khoảng 180 tấn (tăng 60 tấn so với vụ tôm cùng kỳ 2017), đạt giá trị thu nhập hơn 25 tỷ đồng.

Vụ tôm xuân hè này, Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ Tĩnh đứng chân trên địa bàn xã Kỳ Thọ được mùa lớn. Với trên 17 ha ao nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, sau nhiều năm thất bại do dịch bệnh, vụ này, mỗi ao tôm có diện tích 1.500 m2 cho thu hoạch khoảng 5 tấn tôm.

img

Vụ tôm xuân hè 2018, mỗi ao tôm có diện tích 1.500 m2 của Công ty cổ phần thủy sản Nghệ Tĩnh cho thu hoạch khoảng 5 tấn tôm.

Nhờ đầu tư đổi mới công nghệ, lựa chọn nguồn giống tốt và chú trọng các giải pháp kỹ thuật nên trọng lượng tôm đạt khoảng trên 60 con/kg. Với mức giá trung bình 140.000 đồng/kg như hiện nay, tổng lợi nhuận của đơn vị sẽ đạt hàng tỷ đồng.

Anh Nguyễn Hữu Cường - phụ trách sản xuất Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ Tĩnh cho biết: “Rút kinh nghiệm những vụ trước, vụ nuôi này, bên cạnh chú trọng lựa chọn nguồn cung và nhập về lượng giống đảm bảo chất lượng, chúng tôi tiến hành đổi mới một số công nghệ và kỹ thuật thâm canh nhằm xử lý, cải tạo môi trường nước; nâng cao tỷ lệ sống của tôm giống và đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm. Đây được coi là vụ tôm được mùa nhất trong nhiều năm trở lại đây”.

img

Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Kỳ Thọ vụ Xuân hè 2018 đạt 50 - 60 con/kg.

Kỳ Thọ hiện là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Kỳ Anh với tổng diện tích gần 200 ha. Do không đủ điều kiện để nuôi thâm canh công nghệ cao, phần lớn người dân ở đây đều đang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến (khoảng trên 70%). Nhờ có chính sách của huyện, tỉnh và thường xuyên được tham gia tập huấn về kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng nguồn giống, nuôi tôm quảng canh Kỳ Thọ tuy đầu tư ít nhưng vẫn khẳng định được hiệu quả kinh tế cao.

“Biết rằng nuôi tôm thâm canh sẽ cho lãi cao hơn nhưng nuôi thâm canh không hề đơn giản do đầu tư quá cao, chưa tính đến rủi ro. Với điều kiện kinh tế hạn hẹp, nuôi quảng canh là lựa chọn phù hợp đối với các hộ dân như chúng tôi. Tuy nhiên, nuôi quảng canh cũng phải nắm chắc kỹ thuật, thường xuyên học hỏi và đặc biệt là biết chọn lựa nguồn giống tốt, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng thì mới thành công được” - ông Lê Văn Sử, một chủ nuôi tôm quảng canh ở thôn Sơn Tây nói.

img

Cán bộ phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện và lãnh đạo xã Kỳ Thọ kiểm tra, đánh giá kết quả nuôi tôm vụ hè thu tại các hộ nuôi

Những năm qua, nghề nuôi tôm đã trở thành một trong 2 mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, ngoài sản xuất nông nghiệp. Sau sự cố môi trường, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của huyện và tỉnh, Kỳ Thọ đã có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ người nuôi tôm.

Theo ông Lê Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ, gần đây xã đã từng bước mở rộng các chính sách hỗ trợ người nuôi tôm như: giảm tiền thuế ao hồ còn lại 1/3 trước đây; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi mua giống từ các đơn vị, cơ sở sản xuất giống có uy tín. 

Giao cho các cán bộ chuyên trách trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên tôm; hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác nuôi tôm để tạo được các đầu mối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và không để tư thương lợi dụng ép giá khi thu hoạch. Vào mùa thu hoạch, xã chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác tiến hành thu hoạch rải vụ để tránh ùn ứ sản phẩm, gây khó khăn trong khâu tiêu thụ…

img

Nhờ có chính sách của huyện, tỉnh và thường xuyên được tham gia tập huấn về kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng nguồn giống, nuôi tôm quảng canh Kỳ Thọ tuy đầu tư ít nhưng vẫn khẳng định được hiệu quả kinh tế cao.

“Vụ tôm xuân hè này, ngoài thành công lớn của các cơ sở nuôi tôm thâm canh thì các hộ nuôi tôm quảng canh ở Kỳ Thọ cũng trúng mùa lớn với thu nhập bình quân ít nhất là dăm bảy chục triệu; các hộ nuôi quy mô lớn có thu nhập 500 - 600 triệu đồng. Đây là nguồn thu không hề nhỏ đối với người dân ở địa phương khó khăn như Kỳ Thọ” - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ Lê Thanh Bình cho biết thêm.

Sau thành công của vụ tôm xuân hè, người nuôi tôm Kỳ Thọ đang khẩn trương thả nuôi vụ mới. Đến thời điểm này, toàn xã đã xuống giống được trên 50 ha. Chính quyền xã và ngành chức năng đang chỉ đạo người dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống để hạn chế thấp nhất những thiệt hại vào cuối vụ.