Lòng hồ thủy điện Hòa Bình vào mùa lũ mênh mông nước. Đây cũng là cơ hội để người Mường ở xã Bình Thanh rong thuyền ra hồ bắt tôm, cá. Mỗi nhà có một chiếc thuyền nhỏ có gắn máy nổ. Nhờ vậy mà việc di chuyển dễ dàng và thuận lợi hơn. Chị Đinh Thị Loan ở xóm Tráng, xã Bình Thanh chia sẻ, tôi đã làm nghề đánh bắt cá tôm được 10 năm. Ngày nào trúng quả kiếm được cả triệu đồng. Ngày ít thì vài trăm nghìn. Nói chung ngày nào cũng có tiền tiêu.
Những ngư phủ trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Trước đây, người dân nơi này từng dùng kích điện và vó điện để bắt cá. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, việc này đã bị chính quyền cấm để bảo vệ nguồn thủy sản. Bà con chuyển sang bắt cá, tôm bằng thả lưới, đánh bẫy mắt cáo... Theo anh Đinh Văn Độ - người đã gắn bó với lòng hồ từ khi lọt lòng, nhờ khai thác thủy sản mà đời sống của bà con bớt phần gian khó. "Sống trên lòng hồ ngày nào cũng có thu nhập từ tôm, cá. Có mẻ lưới, chúng tôi bắt được cả tạ cá măng", anh Độ cho biết.
Tôm rảo tươi roi rói, nhảy tanh tách được khai thác ngoài tự nhiên luôn bán chạy và được giá.
Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên, bà con ở bản Tráng còn mạnh dạn nuôi cá lồng trên lòng hồ. Hiện các hộ nuôi cá lồng ở bản Tráng đã thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng. Nhiều loại cá đặc sản được bà con nuôi thành công như cá quất, cá lăng, cá chiên... Chúng được coi là thủy quái sông Đà bán rất được giá.
Người dân xóm Tráng sống ổn từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ thủy điện Hòa Bình.