Mỹ tái áp đặt trừng phạt, EU chặn đòn
Theo Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tái khởi động các lệnh trừng phạt lên Iran từ ngày thứ Ba (7.8). Các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm ngăn chặn Tehran thu mua các ngoại tệ mạnh, cấm các hoạt động xuất nhập khẩu kim loại, than, các phần mềm liên quan tới công nghiệp và ngành sản xuất ôtô.
"Những biện pháp trừng phạt sẽ gây sức ép tài chính lớn lên Iran" - quan chức Mỹ tuyên bố.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang lên kế hoạch tái sử dụng biện pháp trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran từ tháng 11.
"Chúng tôi sẽ làm việc với từng quốc gia dựa vào từng trường hợp cụ thể nhưng mục tiêu của chúng tôi là giảm doanh thu và các đồng tiền mạnh chảy vào Iran" - một quan chức cấp cao nói trong một họp báo qua điện thoại.
Người dân Iran đã mau chóng mua vàng để bảo vệ tài sản trước các lệnh trừng phạt của Mỹ treo lơ lửng trên đầu. Ảnh: Global Look Press.
Phản ứng trước sự việc này, EU đã kích hoạt Quy chế chặn nhằm đảm bảo rằng các công ty thuộc khối này sẽ vẫn hoạt động bình thường trước các lệnh cấm vận của Washington.
“Dỡ bỏ các lệnh cấm vận liên quan tới hạt nhân là một phần quan trọng trong thỏa thuận. Nó hướng tới việc đem lại một sự tác động tích cực cho không chỉ mối quan hệ thương mại và kinh tế với Iran mà quan trọng hơn là cho cuộc sống của người Iran. Dựa trên luật pháp EU và Nghị quyết số 2231 của HĐBA LHQ, chúng tôi quyết tâm bảo vệ các thực thể hoạt động kinh tế của EU đang hợp tác thương mại hợp pháp với Iran” - Ủy ban châu Âu ra tuyên bố vào hôm 6.8 vừa rồi.
“Đây là lý do tại sao Quy chế Chặn được bổ sung của EU đi vào hiệu lực vào ngày 7.8 để bảo vệ các công ty EU giao dịch làm ăn hợp pháp với Iran trước các tác động của các lệnh cấm vận có phạm vi quốc tế của Mỹ”.
Quy chế Chặn của EU
Được biết, Quy chế Chặn được thông qua vào năm 1996, quy định cấm các công ty EU tuân theo các lệnh cấm vận quy mô toàn cầu của Mỹ. Que chế này cũng giúp các công ty phục hồi thiệt hại từ các lệnh trừng phạt, vô hiệu hóa bất kỳ tác động nào từ tòa án nước ngoài hay tòa án EU vì bất tuân các lệnh cấm vận nói trên.
EU quyết dùng Quy chế Chặn để chống Mỹ trong vấn đề trừng phat jIrran. Ảnh: EPA.
Trước đó vào hồi tháng Năm, Brussels cũng đã cảnh báo khối này sẽ kích hoạt Quy chế Chặn để bảo vệ lợi ích của mình cũng như lợi ích chung quốc tế. Tuy nhiên, theo RT nhận định, việc thực thi Quy chế Chặn sẽ rất khó khăn bởi EU trong thực tế chưa bao giờ sử dụng đến công cụ này. Bên cạnh đó, EU cũng cần làm mới Quy chế bằng cách thêm vào các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran liên quan tới hạt nhân, thu thập đủ sự đồng ý của toàn bộ 28 quốc gia thành viên để Quy chế được áp dụng – một việc sẽ mất rất nhiều thời gian.
Song song với các khó khăn về pháp lý, vấn đề lớn nhất mà EU sẽ gặp phải đó là các công ty EU dường như sẽ phải chấp nhận “theo” Mỹ, hủy bỏ việc làm ăn với Iran bất chấp lời hứa đảm bảo từ Brussels. Lý do là nhiều công ty châu Âu phụ thuộc vào thị trường tài chính quốc và mạng lưới ngân hàng quốc tế mà Mỹ là quốc gia nắm kiểm soát chủ chốt. Theo RT, hiện tại đã có một số công ty lớn của EU đã dừng việc giao dịch với Iran để tránh bị các lệnh trừng phạt nhắm tới cũng như đánh mất thị trường Mỹ.
Iran sẵn sàng đàm phán với Mỹ 'ngay lập tức' "Tôi không có điều kiện tiên quyết nào. Nếu chính phủ Mỹ sẵn sàng, hãy bắt đầu đàm phán ngay bây giờ", Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 6.8, theo CNN. "Nếu có sự chân thành, Iran luôn hoan nghênh đối thoại và đàm phán”. Được biết, tuyên bố của Tổng thống Iran được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Mỹ quyết định khôi phục các lệnh trừng phạt Iran. |