Mộ Đào Tấn tại Tuy Phước, Bình Định.
Giấc mộng thành “thảm mộng”
Trong suốt 30 năm làm quan, với Đào Tấn giấc mộng lớn nhất là được từ quan, về quê, thỏa chí bình sinh “chỉ thích đề ngâm khắp dưới trời” của mình.
Tuy vậy, giấc mộng ấy, với Đào Tấn, đã trở thành “thảm mộng” bởi ông đã không thể dứt nổi chốn quan trường mà ông cho là nhơ nhuốc ấy, đã từ quan về nhà, bị giáng bốn cấp, rồi vẫn ra làm quan trở lại; có thể nói đó là một lựa chọn đầy hy sinh vì nước vì dân của ông.
Thấu hiểu những ê chề cay đắng của kiếp làm quan ở một thời vua không ra vua, quan không ra quan, thời lộng hành của bọn xâm lược, của lũ sâu dân, mọt nước, thời của những đọa lạc, những phản bội ghê gớm, nhưng Đào Tấn, con người luôn “Thậm cảm hưng vong chuyện nước nhà” vẫn ở lại làm quan giúp vua Thành Thái vì trách nhiệm của một sĩ phu khi đất nước suy vong.
Và vì ông tin rằng mình sẽ góp phần làm cho sự liêm chính và lòng trung nghĩa không chết, ngọn đèn cứu nước không tắt và tạo điều kiện cho những anh hùng cứu nước đã và sẽ xuất hiện.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, tinh thần dân tộc bất khuất, ý chí tự cường mạnh mẽ của vị vua trẻ Thành Thái có ảnh hưởng lớn của Đào Tấn, vị cận thần thân tín của ông. Không phải ngẫu nhiên mà người đương thời đã gọi Đào Tấn là “Kẻ ở ẩn tại triều”.
Nổi tiếng là một người thanh liêm và công bằng, vị thượng quan Đào Tấn xứng đáng là một tấm gương sáng cho muôn đời.
Dưới thời Tự Đức, ông được vua ban tặng danh hiệu “thanh, thận, cần” (trong sạch, thận trọng, chuyên cần) và “bất úy cường ngự” (không sợ uy vua).
Tiếp kiến Đào Tấn tại dinh tổng đốc ở Vinh năm 1902, thời Thành Thái, Gosselin, một võ quan cao cấp người Pháp đã phải ghi nhận sau gần 30 năm làm quan, Đào Tấn vẫn “tay trắng thanh bần”.
Gosselin viết: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng, nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần. Bấy nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân”.
Xử chém Bồi Ba
Đào Tấn luôn vì ích nước, lợi dân thực thi chức trách của mình, bất chấp những hậu quả không hay có thể sẽ phải gánh chịu. Hầu hết những nơi Đào Tấn từng làm quan đều ca ngợi những ân đức mà ông đã làm cho nhân dân.
Đào Tấn từng cứu trợ nạn đắm thuyền của hơn 400 ngư dân đảo Hải Nam, được họ lập đền thờ sống ở đảo này. Khi bị điều ra nhậm chức tổng đốc An – Tĩnh, Đào Tấn dâng sớ nói rõ: “Hoan châu là đất xung yếu, sĩ phu nhiều người học giỏi, sĩ khí hùng, dân trí tốt, tôi đến nơi chỉ làm cho được chữ Phủ (vỗ về) để cho dân được an cư lạc nghiệp.
Còn chữ Tiểu (đánh dẹp) thì quan tiền nhiệm của tôi đã thành công…Tôi là quan văn, không làm được những việc quan tướng đã làm. Nếu triều đình chấp thuận tôi xin tựu nhiệm. Nếu bất thuận tôi xin chịu tội vi mạng”.
Bất chấp sự can thiệp của khâm sứ Pháp, ông quan “điềm tĩnh, khiêm hòa” ấy đã ra lệnh xử chém Bồi Ba, tên tay sai Pháp gây nhiều tội ác với nhân dân Huế. Bồi Ba mua bò của một người dân, nhưng không trả tiền còn vu cho là dư đảng của Cần Vương rồi bắt giam và đánh đập tàn nhẫn.
Nghe tin, Đào Tấn liền cho điều tra, lập hồ sơ đầy đủ. Khi đã nắm chắc tội trạng của Bồi Ba, Đào Tấn sai lính chặn đường bắt, không đưa về giam trong ngục Phủ mà đưa thẳng ra bờ sông Hương, quãng khúc sông chảy qua kinh thành trị tội chém đầu.
Khâm sứ Pháp hạch hỏi, Đào Tấn trả lời: “Hắn làm việc cho bảo hộ nhưng hắn vẫn là người Việt Nam, sống ở đất Việt Nam, gây tội với dân Việt Nam thì sao quan Việt Nam không xử hắn mà phải hội thương với Bảo hộ?”.
Về việc này, Đào Tấn nói: “Sống ở đời mà thấy chuyện ngang trái không trị thì còn mặt mũi nào dạy dỗ thiên hạ trong tuồng”.
(còn nữa)