Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Tài chính được xóa nợ thuế dưới 10 tỷ đồng

Hoàng Thắng 07/08/2018 16:14 GMT+7
Theo đề xuất trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ xóa nợ với trường hợp người nộp thuế nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài chính có quyền xóa nợ thuế dưới 10 tỷ đồng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỷ đồng...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được xóa nợ thuế dưới 5 tỷ đồng

Sáng 7.8, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tham dự hội thảo còn có hàng chục doanh nghiệp với nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, dự thảo Luật lần này có những sửa đổi lớn về các nguyên tắc thuế, hồ sơ, thủ tục thuế, giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế…

“Các sửa đổi này sẽ tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới hoạt động liên quan đến thuế của các doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Không ai là không liên quan tới thuế. Vì vậy, góp ý cho dự thảo này là rất quan trọng”, ông Tuấn nói.

img

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: NM)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổ trưởng Tổ soạn thảo luật, cho biết Luật Quản lý thuế hiện hành đã quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người nộp thuế. Tuy nhiên, để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế trong việc thực thi pháp luật về thuế, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung hoàn thiện các quy định này.

Sau khi khẳng định dự luật sẽ tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện quyền của người nộp thuế, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế, ông Cao Anh Tuấn thông tin: “Tới đây, đối với các cá nhân, nếu thuế thu nhập cá nhân dưới 50.000 đồng thì không phải nộp nữa. Hoàn thuế, không nhất thiết phải có thời gian cố định, lúc nào hoàn cũng được”.

Với vai trò là người trình bày những điểm chính của dự thảo Luật lần này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, một trong những điểm quan trọng trong dự luật lần này là bổ sung thẩm quyền xóa nợ với chủ doanh nghiệp tư nhân đã chết.

Cụ thể, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đề xuất Thủ tướng Chính phủ xóa nợ với trường hợp người nộp thuế nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa có quyền xóa nợ thuế dưới 10 tỷ đồng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có thẩm quyền xóa nợ thuế dưới 5 tỷ, Cục trưởng Cục thuế, Hải Quan có thẩm quyền xóa nợ dưới 1 tỷ đồng.

Đồng thời Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xoá hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và Chính phủ sẽ quy định việc tổ chức thực hiện xoá nợ.

Rút bớt đối tượng đề xuất xóa nợ thuế

Tại bản dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất xóa nợ, khoanh nợ thuế cho doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, đối tượng đã thu hẹp so với dự thảo công bố lần đầu.

img

Dự thảo Luật Quản lý thuế lần này sẽ có những sửa đổi lớn về các nguyên tắc thuế, hồ sơ, thủ tục thuế (Ảnh minh họa)

Tại điều 83 dự thảo luật này đề xuất khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp cho người nộp thuế là cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự và tổ chức; doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể hoặc mở thủ tục phá sản.

Bên cạnh đó còn có người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh; người nộp thuế bị cơ quan quản lý thuế đề nghị hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, với điều khoản về khoanh nợ, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho nhiều trường hợp tại điều 85.

Thứ nhất là doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ hai là chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Thứ ba là các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi.

Đặc biệt, cơ quan soạn thảo đề xuất, ngoài Bộ trưởng Bộ Tài chính như luật hiện hành, thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn có Thủ tướng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan. Tùy vào số tiền xóa nợ mà thẩm quyền xóa nợ thuộc lãnh đạo các cơ quan trên.

Lý giải về đề xuất này trong tờ trình trình Chính phủ về dự thảo luật, Bộ Tài chính cho biết, luật hiện hành quy định người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày.

Quy định này áp dụng với cả người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký; doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán…

Quy định này dẫn đến tiền chậm nộp của nhóm đối tượng không có khả năng thu đến 31.12.2017 tăng lên đến 10.465 tỉ đồng. Về bản chất, đây là nợ ảo nhưng cơ quan thuế vẫn tốn chi phí, nhân lực trong việc theo dõi quản lý nợ thuế. Do đó, cần khoanh nợ đối với khoản nợ thuế, nợ tiền chậm nộp của các đối tượng nêu trên để làm giảm số nợ ảo.

Như vậy, so với đề xuất tại dự thảo công bố lần trước, đối tượng được đề xuất xóa nợ thuế, khoanh nợ đã thu hẹp khá nhiều. Tại dự thảo lần trước, cơ quan thuế còn đề xuất xóa nợ các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, các liên minh hợp tác xã, tỉnh uỷ, thành đoàn, tỉnh đoàn đã giải thể...