Sau hơn một năm triển khai Đề án 4252 (nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Bình Chánh, giai đoạn 2016-2020), huyện vẫn gặp khó khi để về đích nông thôn mới (NTM) đúng hẹn vào cuối năm 2019.
Tăng cường phạt tiền và cưỡng chế di dời…
Các đoàn thể (huyện Bình Chánh) ra quân dọn vệ sinh trên các tuyến kênh, rạch. Ảnh: Trần Đáng
"Để đưa huyện Bình Chánh về đích NTM vào năm 2019, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra của Đề án 4252: Tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm cơ sở gây ô nhiễm; Thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường...”. Ông Nguyễn Văn Hồng - |
Lâu nay, Bình Chánh được xem như “vùng trũng” ô nhiễm của TP.HCM. Theo UBND huyện, đó là do địa bàn rộng, tốc độ tăng dân số của huyện khá nhanh (hiện hơn 100.000 dân), chủ yếu là dân nhập cư từ các địa phương khác đến sinh sống và lao động, cùng với sự phát triển kinh tế đa dạng nhiều thành phần, ngành nghề...
Ngoài ra, huyện Bình Chánh là nơi tiếp nhận các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu và ngành nghề ô nhiễm do quá trình di dời cơ sở ô nhiễm từ các quận 6, 10, 11 tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, điển hình là cụm công nghiệp Lê Minh Xuân (tập trung các ngành nghề tái chế phế liệu, dệt nhuộm, sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất...); khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Khu công nghiệp An Hạ (đang hình thành khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 với diện tích 273ha, tiếp nhận 16 cơ sở dệt nhuộm di dời từ quận 12) và tập trung xen cài trong các khu dân cư.
Hầu hết, các khu, cụm công nghiệp này chưa được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước tập trung, nhằm giảm gánh nặng chịu tải ô nhiễm đối với hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện.
Tất cả những yếu tố này đã đặt ra cho huyện Bình Chánh nhiều thách thức về an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo UBND huyện Bình Chánh, sau thời gian triển khai Đề án 4252, rác thải sinh hoạt không còn là vấn đề, mà xử lý ô nhiễm kênh rạch do hoạt động chăn nuôi, sản xuất ở khu, cụm công nghiệp mới gian nan.
Hiện trên địa bàn huyện có 535 hộ chăn nuôi heo nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Minh (xã Vĩnh Lộc A) bức xúc: “Một số hộ chăn nuôi heo xả thải trực tiếp ra môi trường. Vì thế, kênh, rạch ở đây ô nhiễm nặng, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối rất khó chịu”.
Thời gian qua, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, chính quyền đã vận động các hộ chăn nuôi thực hiện lộ trình giảm đàn phù hợp và di dời ra khỏi khu dân cư, đến nơi phù hợp quy hoạch, cũng như mạnh tay xử lý các trường nuôi chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường hoặc buộc ngưng hoạt động.
“Chúng tôi đã tiến hành vận động di dời đối với 45 hộ chăn nuôi, 21 hộ cam kết sẽ ngưng hoạt động hoặc di dời đi nơi khác” - ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết. Không những thế, trên địa bàn còn có 150 cơ sở sản xuất kinh doanh phát sinh nước thải dọc các tuyến sông, kênh, rạch.
Cũng theo ông Hồng, chính quyền đã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Kết quả, đã xử lý phạt tiền hàng chục trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn theo quy định, cũng như ngưng hoạt động và tiến hành di dời hơn chục trường hợp...
Chưa cải thiện đáng kể...
Sau hơn một năm thực hiện Đề án 4252, theo UBND huyện Bình Chánh, chất lượng nước mặt tại các tuyến kênh, rạch trên chưa được cải thiện đáng kể. Nguyên nhân là do việc đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư mới vẫn còn thấp.
Trong khi đó, nước thải sản xuất từ hoạt động của các cơ sở trong Khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân vẫn còn xảy ra tình trạng rò rỉ vào hệ thống thoát nước mưa thoát ra môi trường gây ảnh hưởng nguồn nước trong khu vực (kênh 6, kênh 8 và kênh 9 dẫn ra kênh B).
Cộng thêm, chất thải từ hoạt động chăn nuôi xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép, chưa áp dụng mô hình chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường (mô hình VietGAP) vẫn xả thải ra môi trường.