Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận tiềm năng và xu hướng thị trường gỗ trên thế giới, cơ hội và giải pháp cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ Việt.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành chế biến gỗ, liên kết theo chuỗi để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của quốc tế.
Hội nghị này nằm trong chuỗi hội nghị chuyên đề được tổ chức trong thời gian để thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực cũng như tháo gỡ vướng mắc, giải quyết một số vấn đề nổi lên.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: NS)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020. Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước thì ngành chế biến lâm sản hiện nay với khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nếu như năm 2008 cả nước có khoảng 2.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản thì đến nay đã có khoảng 4.500 doanh nghiệp, trong đó có 3.900 doanh nghiệp trong nước, 600 doanh nghiệp FDI.
Trong vòng 10 năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành hàng nông lâm thủy sản, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ.
Thu hoạch gỗ nguyên liệu từ rừng trồng (Ảnh: HAWA)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành vẫn còn những tồn tại, thách thức như: Chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp, các quốc gia cung cấp nguyên liệu cho Việt Nam đã và đang có chính sách quản lý chặt chẽ; chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn cao làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc nhiều nước ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ đảm bảo 100% hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành, do đó ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát …
Từ thực tiễn phát triển của ngành, Bộ NNPTNT cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc phát triển chế biến gỗ và lâm sản trong những năm tới như sau: Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện lên khoảng 10% vào năm 2025.