Dân Việt

Số phận của viên quý tộc phản bội Trần Kiện (1): Dòng dõi danh giá

Nguyễn Bảo Nam 08/08/2018 18:31 GMT+7
Giới quý tộc nhà Trần xuất hiện những kẻ hèn nhát, phản bội vương triều, phản bội dân tộc mà tiếng nhục còn lưu lại đến ngày nay. Trần Kiện là một trong những vị quý tộc đó.

Con trai của Trần Quốc Khang

Sử sách còn ghi, năm Đinh Dậu (1237), Trần Thủ Độ và vợ là Trần Thị Dung, vốn là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, người đã sinh ra hai công chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh, lập mưu cho Trần Cảnh ( Trần Thái Tông) lấy vợ của Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh) là công chúa Thuận Thiên về lập làm hoàng hậu, cho dù lúc này Thuận Thiên đã có thai với Trần Liễu được ba tháng… Người con mà Thuận Thiên mang thai trước khi trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông, sau được phong tước Tĩnh quốc Đại vương, là Trần Quốc Khang. Như vậy, xét về danh, Trần Quốc Khang là con đầu của Trần Thái Tông, nhưng thực ra thì Trần Quốc Khang là cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột. Trần Kiện (? – 1285) là con của Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, được phong tước Chương Hiến hầu hay Chương Hiến Thượng hầu…

img

Đền Trần Nam Định, nơi thờ 14 đời vua nhà Trần.

Tương truyền, ông có tướng mạo khôi ngô, đọc thuộc binh thư, giỏi việc bắn cung, cưỡi ngựa. Trên đường quan lộ, Trần Kiện được khen là người có tính khiêm nhường, nho nhã, độ lượng, được lòng dân. Do vậy, được triều đình tin tưởng cho thay cha lĩnh chức Tịnh Hải quân Tiết độ sứ và ban hôn với nàng Quỳnh Huy, con gái của Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, sinh con và được phong là Mặc hầu.

Gọng kìm phía nam

Năm 1285, quân Nguyên – Mông ồ ạt tiến công xâm lược Đại Việt. Chúng đánh theo nhiều hướng, phía bắc vào do Thoát Hoan và phía nam từ Chiêm Thành lên do Toa Đô chỉ huy. Trước thế giặc mạnh, quân dân Đại Việt đã ra sức chiến đấu chặn địch, nhưng nhiều trận phải lui quân để bảo toàn lực lượng.

Sau các trận đánh trên vùng sông Hồng và rút lui chiến lược về Thiên Trường, Trường Yên thành công, về căn bản, gọng kìm phía bắc của Thoát Hoan đã được quân dân Đại Việt tạm thời giải tỏa phần nào.

Tuy nhiên, còn một gọng kìm phía nam do Toa Đô chỉ huy, như một mũi dao hiểm đánh thốc lên thì nhà Trần chưa giải quyết được. Quân của Toa Đô tuy mỏi mệt, đói khát lâu ngày ở Chiêm Thành, nhưng chúng vẫn còn đông đến hơn 8 vạn quân và hàng trăm chiến thuyền.

Mặt khác, Toa Đô là một viên tướng giỏi, với lực lượng có những thủy quân tinh nhuệ làm nòng cốt, điều đó đòi hỏi Đại Việt phải có một biện pháp tương xứng để đối phó với gọng kìm phía nam này. Nắm được thời thế, ngay từ đầu cuộc chiến, nhà Trần đã không coi nhẹ mặt trận phía nam. Tại Châu Hoan, Châu Diễn vẫn có hàng vạn quân đóng giữ, dưới quyền điều động của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Quân Đại Việt dồn trọng tâm phòng ngự vào các lộ Thanh Hóa, Diễn Châu, Nghệ An. Còn những vùng cực nam như Minh Linh, Bố Chính, Thuận Hóa thì hầu như bất khả thi trong việc phòng giữ, nên chỉ có một số ít quân lực được bố trí tại các vị trí này. Khi chiến sự phía nam bắt đầu gay gắt, triều đình phái thêm Chương Hiến hầu Trần Kiện, dẫn một vạn quân vào Ái Châu tăng cường.

Binh lực mặt trận phía nam của quân Đại Việt không quá thua kém Toa Đô, lại có thế núi sông hiểm yếu dễ ém quân, nhưng về nhân sự thì có vấn đề.(còn nữa)