Nhân duyên với… chanh leo
Lò Thanh Xiến sinh năm 1985, còn rất trẻ nên trong từng suy nghĩ và hành động đều toát lên sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Không như nhiều thanh niên địa phương khác tìm cơ hội đổi đời ở nơi khác, Xiến vẫn ở lại quê hương, nuôi ước vọng làm giàu từ đất. Trong quá trình đó, anh vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương, năm 2005, Xiến được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã.
Anh Lò Thanh Xiến kiểm tra sự phát triển của chanh leo. Ảnh: N.V
Nhờ sự tiên phong của anh Xiến, giờ đây, chanh leo đã phủ kín khắp các sườn đồi của Mường É, số lượng hộ gia đình tự nguyện đăng ký trồng chanh leo ngày một tăng. Hiện, xã Mường É đã có 13,6ha chanh leo, bà con đăng ký trồng mới thêm 24ha vào tháng 10.2018. |
Trên cương vị mới, nhìn những thanh niên trai tráng lần lượt rời quê đi làm thuê, không ít lần Xiển tự hỏi: “Bà con quê mình ai cũng chịu thương chịu khó, suốt ngày quần quật trên nương rẫy, nhưng thu nhập không đáng là bao. Làm gì để đánh thức được tiềm năng đất đai của Mường É?”.
Năm 2015, anh vinh dự được bầu làm Chủ tịch UBND xã. Với cương vị mới, trách nhiệm càng nặng nề, việc làm thế nào để giúp bà con xóa nghèo làm giàu không chỉ là ước mong riêng của anh mà còn là nhiệm vụ của một người đứng đầu xã.
Nhân duyên đã đến khi cuối năm 2016, Xiến được đi tham quan, học tập tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong chuyến đi đó, anh đã được tận mắt chứng kiến mô hình trồng chanh leo (còn gọi là chanh dây) và hiệu quả kinh tế nó mang lại. Sau khi trực tiếp nghe những người nông dân Tây Nguyên chia sẻ cách thức trồng và chăm sóc chanh leo, Xiến đã ấp ủ mong muốn sẽ đưa cây chanh leo về trồng thử nghiệm ở địa phương.
“Lúc đó, được nghe bà con Tây Nguyên chia sẻ về hiệu quả kinh tế mà cây chanh leo mang lại, tôi chỉ muốn mang ngay về bản trồng thử. Trên thực tế, chanh leo không phải là giống cây lạ với người dân Mường É, đây là loài cây thực sinh mà người dân hay gọi là má lót lào (cây nhót lào). Giống cây này vẫn mọc hoang trên nương hay sau vườn của một số gia đình nhưng hiệu quả kinh tế chưa được đánh giá, chất lượng và sản lượng quả không ổn định. Muốn đưa vào trồng đại trà phải sử dụng giống chanh leo ghép nên tôi cần thời gian học hỏi thêm” - anh Xiến tâm sự.
"Tuy mới tham gia hợp tác xã, nhưng nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn chanh leo của anh Xiến cho hiệu quả kinh tế khá cao. Anh Xiến cũng có công rất lớn trong việc đưa cây chanh leo đến xã Mường É, giúp nhiều gia đình thoát nghèo”. Chị Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch HTX Chanh leo Thuận Châu |
Trong khi đang loay hoay tìm cách đưa cây chanh leo về địa phương thì đầu năm 2017, HĐND tỉnh Sơn La ban hành Nghị quyết số 37 thông qua đề án phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Không bỏ qua cơ hội “ngàn năm có một”, anh Xiến đăng ký tham gia là thành viên của HTX Chanh leo Thuận Châu, có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Nafood Tây Bắc.
Yêu cây như con
Ngay sau khi huyện Thuận Châu triển khai việc trồng chanh leo trên địa bàn, Xiến đăng ký thử nghiệm đưa giống cây ăn quả mới vào trồng tại địa phương.
Tưởng “ngon ăn” nhưng khi bắt tay vào làm, anh Xiến mới thấy muôn vàn khó khăn. Mặc dù là loại cây quen thuộc, nhưng việc trồng giống ghép và sản xuất theo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu lại không hề đơn giản. Theo đó, chanh leo phải đạt tiêu chuẩn trọng lượng 12 quả/kg, phải được trồng, chăm sóc và thu hoạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP - tiêu chuẩn xuất khẩu của châu Âu, nên từ giống đến khâu chăm sóc, thu hái phải đảm bảo đúng quy trình.
Tháng 4.2017, anh Xiến bắt đầu xuống giống chanh leo trên diện tích 3ha đất dốc của gia đình, mật độ trồng 400 - 500 cây/ha. “Chăm sóc chanh leo không khác gì con mọn, tranh thủ cuối mỗi giờ làm trên xã, tôi đều lên vườn xem chúng phát triển, sinh trưởng thế nào. Mỗi khi có cây bị sâu bệnh, gặp thời tiết bất thường, tôi mất ăn, mất ngủ” - anh Xiến tâm sự.
Không phụ công người chăm sóc, vườn chanh leo đã cho sản phẩm. Thấy được ưu thế vượt trội của loài cây này, anh tiếp tục mở rộng diện tích lên 4ha. Đến thời điểm hiện tại, vườn chanh leo của anh cho sản lượng khoảng 30 tấn, với giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg, anh Xiến thu hơn nửa tỷ đồng.
Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, vườn chanh leo của anh Xiến còn tạo việc làm cho 6 - 10 lao động với mức lương từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Có những khi cao điểm vào lúc bón phân, thu hoạch anh phải thuê đến 40 lao động với mức lương 150.000 đồng/người/ngày. Năm nay, do sản lượng chanh leo của các tỉnh phía Nam hạn chế nên giá chanh leo trên thị trường khá cao. Tuy nhiên, vì đã hợp đồng với Công ty Nafood Tây Bắc nên gia đình anh vẫn đảm bảo số lượng để bán cho công ty.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng chuyên canh chanh leo ở Mường É vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên sản lượng, chất lượng chanh leo chưa cao, dễ bị sâu bệnh.
“Vì sản xuất để phục vụ xuất khẩu nên chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, chủ yếu sử dụng các sản phẩm hữu cơ và các chế phẩm sinh học, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sản xuất sạch, theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp” -anh Xiến nói.
Ngoài diện tích chanh leo đang cho thu nhập cao, anh còn trồng 3ha chè Kim Tuyên, 3ha cây dược liệu dưới tán rừng, nói như nhiều người dân bản Kiểng, anh đang sở hữu cả “kho vàng”.
Bằng sự quyết tâm, nhiệt tình, năng động, vị Chủ tịch trẻ Lò Thanh Xiến đã thực hiện được ước mơ của mình với cây chanh leo, mở ra hướng đi mới cho người dân quê hương. Tôi tin, trong tương lai, tôi sẽ gặp một Mường É thay da đổi thịt.