Dân Việt

Sau ngập lụt, dân Chương Mỹ lại bước vào "cuộc chiến" mới

Trần Quang 09/08/2018 07:45 GMT+7
Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh, các địa phương ở Hà Nội đã huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, thú y... vào cuộc giúp dân thu dọn vệ sinh, xử lý môi trường sau ngập lụt.

“Căng mình” dọn vệ sinh sau lũ

Tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) những ngày này, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, nước lũ đã rút gần hết, bà con trong xã đã bắt đầu thu dọn vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Tiến Thiệp (ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) cho biết, nhiều năm địa phương bị ngập lụt, nhưng chưa năm nào rác thải tràn về nhiều như năm nay. Sau nhiều ngày ngập trong rác và nước, đến giờ nhà, cửa, sân, vườn vẫn còn ngập ngụa bùn, rác, người dân phải căng mình để thu dọn mọi thứ.

img

  Hơn 100 chiến sỹ cảnh sát và thanh niên tình nguyện làm vệ sinh trường học ở xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Gia Chính

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước... Cử cán bộ bám sát các xã cùng với trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước; phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh thường gặp sau mưa lũ dễ bùng phát.

Những ngày này, các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Văn Uẩn (ở làng Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai) cũng đang khẩn trương thu dọn bùn, rác sau ngập lụt. “Rác, bùn nhiều quá, chúng tôi thu dọn nhiều mà giờ vẫn chưa hết. Điều tôi lo ngại hơn là sau khi lũ rút, nhà cửa của tôi và bà con ở đây rất ẩm ướt, hôi hám nên rất mong chính quyền hỗ trợ xử lý để dân yên tâm ổn định sinh hoạt” - ông Uẩn bày tỏ.

Ông Ðỗ Ðình Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến - cho biết, xã thuộc địa bàn trũng, thấp nhất của huyện, nên khi mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, cả xã bị ngập úng. Thời điểm này, nước lũ đã bắt đầu rút hết, xã đã hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về việc nước rút đến đâu tập trung làm vệ sinh ngay đến đó, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh.  “Ðến nay, mới chỉ có những trường hợp bị ngứa, chứ chưa có ghi nhận việc phát sinh dịch bệnh” - ông Trung nói.

Huy động hàng nghìn người tham gia

Để đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ, nhiều phương án và biện pháp đã được các địa phương tích cực thực hiện, tập trung vào các khu vực và công việc trọng điểm: Khử trùng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy xác động vật; khu thu gom rác thải, chất thải; các nơi nguy cơ liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm…

Tại Chương Mỹ, Quốc Oai và các huyện bị ngập úng, những ngày qua cùng với việc mực nước lũ rút dần, chính quyền và nhân dân khẩn trương phục hồi sản xuất, kết hợp với tổng vệ sinh môi trường các khu dân cư, trường học, trạm y tế... Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với công ty môi trường thu gom, vận chuyển rác thải kịp thời. Trung tâm y tế các huyện đã bám sát địa bàn, phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh, đồng thời cấp phát phèn chua để lọc nước và nhiều loại thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cụ thể tại huyện Chương Mỹ, ngay sau khi nước lũ rút, địa phương này đã huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, đội cơ động, xung kích... phối hợp nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường các điểm ngập úng, ổn định cuộc sống; đồng thời tập trung vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung… Huyện Quốc Oai huy động 775 quân nhân và 4.845 người tập trung vệ sinh môi trường, tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng; dọn dẹp trường lớp bị ngập nước để chuẩn bị đón học sinh bước vào năm học mới.

Ông Lê Hải Hồng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ - cho biết, tại địa phương cũng có một số hộ dân ở vùng trũng Hương Sơn, An Phú bị ngập. Tuy nhiên, sau khi nước rút, huyện và cán bộ thú y, y tế tại xã đã hướng dẫn người dân thu gom, xử lý, chôn xác động vật; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo tại các vùng có nguy cơ để tránh dịch bệnh.

Theo đại diện Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, từ khi các huyện xảy ra úng ngập, đơn vị đã huy động 100% lực lượng, phương tiện đi vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung. Cụ thể, đơn vị đã bố trí 39 công nhân, phối hợp với người dân các xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) vớt, thu gom, vận chuyển hơn 40 tấn rác.

Huyện Quốc Oai cũng đã bố trí 42 người phối hợp với người dân thực hiện vớt, thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung hơn 50 tấn rác.  Công ty yêu cầu toàn bộ công nhân túc trực tại địa phương để khi nước rút tới đâu thì vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác tới đó.