Dân Việt

Phó TTg Vương Đình Huệ: Cho phép nước ngoài mua ngân hàng yếu kém

Nam Sơn 08/08/2018 18:21 GMT+7
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 10, ngày 8.8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết sắp tới Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện nhiều nhà đầu tư muốn mua các pháp nhân quy mô nhỏ để hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng số, hoặc mua lại pháp nhân có hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceabank… Sắp tới đây, Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại, nhưng cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

"Chính phủ cũng sẽ tổ chức cổ phẩn hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng nhà nước. Agribank đã có lộ trình IPO vào 2019, BIDV và VCB đang thực hiện chủ trương bán bớt vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phần cho các nhà đầu tư", ông Huệ cho biết.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ chủ trương tiếp tục tái cơ cấu các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước, thu gọn lại danh mục mà Nhà nước đang nắm giữ vốn. Chính phủ sẽ kiên trì, nhất quán lĩnh vực này. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp đã cổ phần hoá lần đầu, tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà nước, từ nay đến 2010 sẽ cơ bản hoàn thành vấn đề này.     

Đồng thời tái cơ cấu lại các công ty lâm nông trường và năm 2018 phải cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu các công ty dạng này bằng cả M&A và các hình thức công ty TNHH 2 thành viên. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp công, trừ trường học và bệnh viện, Chính phủ cũng chủ trương cổ phần hóa các lĩnh vực này...

img

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong 10 năm qua, hoạt động M&A tại Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành một kênh dẫn dắt dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là của khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế.

Tổng giá trị các thương vụ M&A từ năm 2009 đến nay đã đạt mức ấn tượng, khoảng 48,8 tỷ USD, trong đó, riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục là 10 tỷ USD.

"Cùng với quá trình cải cách thể chế đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện, đáng chú ý là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam. Đây là một xu thế khách quan và tất yếu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng", ông Vũ Đại Thắng cho biết. 

Theo ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư thì sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân…