Tối qua, ngày 8.8, lễ công bố hợp tác chiến lược giữa Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã diễn ra tại TP.HCM. Thương vụ M&A được dư luận quan tâm đặc biệt trong vài ngày qua bởi hai ông chủ doanh nghiệp đều là những doanh nhân có tiếng. Ông Đoàn Nguyên Đức ( hay gọi là Bầu Đức), chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) luôn nổi tiếng bởi sự thẳng thắn và táo bạo. Còn tỷ phú Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) là một trong 4 tỷ phú tại Việt Nam do Forbes công nhận cũng là người dám dấn thân và cương trực.
Trường Hải và ông Dương được ông chọn mặt gửi vàng vì sao?
Câu này dễ trả lời quá. Giờ hỏi lại nhé, nếu nói tôi nhìn nhận thì giờ ở Việt Nam ai có tiền tươi. Việc đầu tư tôi phải nhìn nhận chứ. Vào HAGL việc đầu tiên là phải có tiền tươi. Đúng chưa? Vào HAGL phải là người đã quản lý sản xuất công nghiệp ở quy mô lớn chứ không phải các doanh nghiệp làm bất động sản lớn có tiền là làm được. Đây là tôi nói nhanh luôn.
Bầu Đức nói về lý do chọn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cứu mình
Tôi ra khu nhà máy của anh Dương ở Chu Lai- Quảng Nam rồi, đi tham quan hết rồi. Đây là ấn tượng đầu tiên. Quản lý sản xuất công nghiệp lớn được thì mới quản lý nông nghiệp lớn có chất được, Đã quản lý sản xuất lớn mà không có tiền thì cũng thua. Hai cái này tôi trả lời luôn. Mà tiền vay ngân hàng cũng chết, thua luôn, phải tiền tươi.
Như vậy tôi chọn ông Dương vì hai cái, tiền tươi, đã từng quản lý từ nhỏ tới lớn và đặc biệt ông Dương quản lý cả vi mô. Thì ngược lại mới link được với chỗ HAGL, ở đây quy mô nào thì phải quản lý đó, nên phải kinh qua ở cỡ lớn mới quản lý được. Chứ không một ông nhỏ, lèo phèo thì chết luôn.
Tóm lại HAGL có 53.000 tỷ đồng tài sản không phải là nhỏ, 30.000 công nhân cũng đâu có nhỏ nên muốn cứu HAGL phải rất to mới cứu được. Tàu lớn đang chìm ngoài biển mà dùng các tàu nhỏ thì cứu nỗi gì.
Đến giờ tôi khẳng định, những gì làm được đến giờ thì chỉ cần 3 năm sau tôi chứng minh cho thấy, chỉ 3 năm thôi, sự hợp tác này sẽ đứng đầu bảng và vô đối, không ai học làm theo được nữa mà muốn học cũng không được. Điều này tôi chưa nói với ông Dương, nay mới nói và thực tâm.
Nhiều người khi cần tiền cứu doanh nghiệp cũng nghĩ tới Quỹ đầu tư, còn HAGL thì sao lại chọn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương?
Không, tôi trả lời luôn, quỹ đầu tư chỉ là tiền, cái tôi cần là quản trị nhưng phải là quản trị của doanh nghiệp lớn đã có thành công và cần đối tác đồng hành. Chứ quỹ đầu tư bỏ tiền và càng lớn càng chết.
Còn doanh nghiệp nước ngoài khác…?
Ngành của tôi rất đặc thù, nếu tìm được doanh nghiệp nước ngoài phù hợp là rất khó, chưa kể họ cũng chưa hiểu rõ Lào, Campuchia, Việt Nam để đầu tư. Như ông Dương qua bên Lào mới thấy sửng sốt, mới dám làm, còn nếu chưa qua thì chắc cũng nghĩ mình là thằng chém gió. Tận mắt chứng kiến mới biết và tin mình làm thật. Câu chuyện là vậy. Không phải ngẫu nhiên tìm ông Dương. Có những yếu tố nhất định. Tiền và quản trị.
Điều mong muốn của ông khi chọn người như ông Dương để hợp tác là quản trị và tài chính, nghĩa là ở thời điểm này, HAGL đang gặp khó về hai vấn đề này?
Đang có vấn đề. đây là cái thiếu của HAGL. HAGL có nhiều thứ, có hàng ngàn cán bộ kỹ sư, có quỹ đất rất lớn, có một cơ sở hạ tầng đã hình thành nhưng lại thiếu quản trị và tài chính. Nếu có thêm 2 yếu tố này thì phát triển thành doanh nghiệp lớn thật sự không khó nữa.
Quy mô doanh nghiệp nông nghiệp và dự án Myanmar mà Trường Hải sẽ đầu tư vào hiện nay ở mức nào, thưa ông?
Về nông nghiệp ở Việt Nam, HAGL là số 1. Chúng tôi có 80.000 ha đất nông nghiệp tại Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó có 38.000 ha cao su đã được 11 năm tuổi và bắt đầu cho thu hoạch. Còn ở Myanmar là dự án về bất động sản phức hợp có vị trí đắc địa và quy mô lớn nhất hiện nay tại thành phố Yagoon- thành phố lớn nhất ở Myanmar.
Quy mô lớn như vậy, ở thời điểm này gây khó khăn thế nào cho ông?
Điểm nghẽn là giá cả. Mình đầu tư cao su nhiều, nhưng khi giá bán cao su đi xuống mạnh thì mất thanh khoản về mặt tài chính, mà do quy mô lớn nên cần sự hỗ trợ về quản trị và tài chính. Khi đã trục trặc rồi thì mình không đủ thời gian để tái tạo ra nữa và mình cần hỗ trợ những gì mà HAGL đang thiếu. Và anh Dương cũng cần những thế mạnh mà HAGL đang có như quỹ đất lớn, và những thành quả đã đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực… Hai bên bổ sung vào thì rất tốt.
Mấy hôm nay thị trường cũng xôn xao việc Công ty Ba Huân với một Quỹ đầu tư nước ngoài, cũng là người đang đi tìm kiếm nguồn vốn, ông nhìn nhận sao?
Ba Huân là 1 câu chuyện khác khi đi với một quỹ nước ngoài và Quỹ thì có những yêu cầu nào đó trong quá trình làm. Tôi không biết rõ nên cũng không nhận xét. Còn đây là hai doanh nghiệp Việt Nam, nói chuyện được với nhau, hiểu nhau và cùng có tâm huyết hợp tác để làm nên doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam.
Xin cám ơn ông!