Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo The Hill, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng áp thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mục đích sâu xa là việc các khoản thuế này có thể làm thay đổi các quy tắc và thực tiễn thương mại của Trung Quốc.
Từ đó, Mỹ sẽ có thể bảo vệ các nền tảng công nghệ quan trọng. Quốc hội Mỹ thì theo đuổi lập trường cứng rắn hơn, cảnh báo Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia và giao nhiệm vụ cho Lầu Năm Góc kiểm soát mối đe dọa này dựa trên NDAA.
Trong một thời gian dài, các công ty đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ muốn làm ăn ở thị trường Trung Quốc, buộc phải đồng ý với những điều khoản có lợi cho đối tác nước sở tại.
Đó là cơ hội để Trung Quốc thu thập quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường phát triển kinh tế và từ đó tự tạo ra sản phẩm tương tự. Chính quyền Mỹ hiểu điều này nên đã ngăn chặn nhiều công nghệ rơi vào tay Trung Quốc có thể đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.
Nhưng NDAA mới được quốc hội Mỹ thông qua còn thể hiện lập trường ngăn chặn Trung Quốc cứng rắn hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ tiền nhiệm nào, ít ra là trên phương diện chiến lược.
Chính quyền Mỹ đang chuyển dần từ cuộc chiến chống khủng bố sang đối phó các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Luật quy định tổng chi tiêu quốc phòng trong năm tài khóa 2019 là 716 tỷ USD và các khoản chi chuyển dịch từ cuộc chiến chống khủng bố sang tập trung đối phó Trung Quốc.
NDAA cho phép cung cấp tài chính cho 14 hành động cứng rắn chống lại Trung Quốc, bao gồm tăng cường hợp tác với Đài Loan, Hàn Quốc và kiểm soát hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trên thực tế, cuộc đối đầu chưa chính thức diễn ra bên ngoài lĩnh vực thương mại, nhưng NDAA đã tạo nên bước tiền đề căn bản để chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường đối phó Trung Quốc.
NDAA thể hiện sự quan ngại đặc biệt với giới tinh hoa Mỹ về việc Trung Quốc không ngừng lợi dụng thương mại để thu thập bí mật công nghệ quốc phòng và công nghiệp của Mỹ. Trong số 4 quốc gia bị coi là đối thủ của Mỹ bao gồm Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran, chỉ có Trung Quốc bị “chăm sóc” một cách đặc biệt.
Trong tương lai, chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc làm ăn ở Mỹ, điều tra chủ nhân thực sự của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
NDAA 2019 cũng tăng cường quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Ủy ban này giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc và giờ đây ủy ban được giao việc đánh giá tác động của các khoản đầu tư này đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.
Có thể nói, quốc hội Mỹ đã trao ngân sách và mọi công cụ cần thiết để chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các hành động gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ thông qua vỏ bọc hợp tác thương mại, truyền thông hay truyền bá văn hóa.
NDAA cũng kiên quyết phản đối các hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
NDAA cũng cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới "Vành đai Thái Bình Dương" (RIMPAC) cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải báo cáo hàng năm cho quốc hội về bất kỳ sự phát triển mới nào của các cơ sở quân sự và vũ khí Trung Quốc.
Điều này thể hiện lập trường kiên quyết phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc, trấn an các đồng minh Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bắc Kinh đã ngay lập tức chỉ trích việc quốc hội Mỹ thông qua NDAA 2019, kêu gọi Washington từ bỏ "tư duy chiến tranh lạnh lỗi thời, kẻ thắng người thua".
"Mỹ không được để dự luật chứa đựng những nội dung tiêu cực về Trung Quốc thế này trở thành luật", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng nói, nhấn mạnh Mỹ đang liều lĩnh "hủy hoại quan hệ và hợp tác song phương".
Nếu Trung Quốc đáp trả theo lập trường cứng rắn, nhiều khả năng cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ còn được mở rộng và trở nên hết sức căng thẳng, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, theo báo Mỹ The Hill.
Căng thẳng Mỹ-Trung thời gian qua đang có chiều hướng leo thang, sau mâu thuẫn liên quan đến thương mại và việc Trung Quốc...