Bệnh án tâm thần không giúp bị can tránh được trách nhiệm hình sự. (Ảnh minh họa)
Bệnh án tâm thần chỉ là tài liệu tham khảo
Công an TP.Hà Nội đang điều tra, làm rõ vụ việc Lê Thanh Tùng (SN 1986, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cung cấp cho cơ quan công an bệnh án tâm thần giả sau khi bị truy cứu trách nhiệm trong vụ án “Cố ý gây thương tích”.
Theo điều tra, Tùng là đối tượng cộm cán, cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án “Cố ý gây thương tích” có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau. Sau khi gây án, Tùng cung cấp cho cơ quan điều tra bệnh án tâm thần do một bệnh viện tâm thần ở Hà Nội cấp.
Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan công an làm rõ Tùng đã bỏ 85 triệu đồng để sở hữu bệnh án tâm thần với kết luận “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”.
Liên quan tới vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, các bị can sở hữu bệnh án tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Trao đổi với PV về thắc mắc trên, TS.Ngô Văn Vinh, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương và luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết: Khi các bị can có dấu hiệu tâm thần, cơ quan tố tụng trưng cầu giám định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can.
“Bệnh án tâm thần chỉ là tài liệu để cơ quan tố tụng lấy làm căn cứ để ra quyết định trưng cầu giám định xem bị can có đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không? Kết luận giám định năng lực trách nhiệm hình sự bị can mới là căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét đưa ra hình thức xử lý bị can”, luật sư Kiên nói.
TS.Ngô Văn Vinh và luật sư Kiên cho rằng, cần phân biệt rõ bệnh án tâm thần và bản kết luận giám định pháp y tâm thần.
Bệnh án tâm thần là hồ sơ điều trị của bệnh nhân do cơ sở y tế xác lập để theo dõi, còn kết luận giám định pháp y tâm thần là đánh giá, kết luận của cơ quan chuyên môn sau khi thực hiện trưng cầu giám định.
TS.Ngô Văn Vinh cho biết, bệnh nhân khi đi điều trị tim mạch, bệnh viện sẽ lập bệnh án tim mạch. Tượng tự, bệnh nhân đi điều trị tâm thần, bệnh viện sẽ lập bệnh án tâm thần để theo dõi.
“Bệnh án tâm thần là tài liệu để cơ quan tố tụng căn cứ quyết định trưng cầu giám định năng lực hành vi của người bị buộc tội và là một trong những tài liệu để cơ quan thực hiện giám định lấy làm căn cứ để đưa ra kết luận về năng lực hành vi của người bị buộc tội”, TS.Ngô Văn Vinh cho biết.
Có bệnh án tâm thần vẫn phải ngồi tù
Luật sư Kiên cho biết, Bộ luật tố tụng Hình sự quy định, khi cơ quan điều tra nghi ngờ năng lực trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội thì bắt buộc phải trưng cầu giám định tình trạng tâm thần của đối tượng. Kết luận giám định sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã gây ra.
Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.
Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Sau đó, cơ quan điều tra sẽ đưa họ đi chữa trị cho đến khi ổn định, rồi bàn giao cho gia đình và địa phương.
“Như vậy, dù sở hữu bệnh án tâm thần thì bị can chưa chắc đã trốn tránh được trách nhiệm hình sự. Bởi vì dù bị can có bệnh án tâm thần nhưng kết luận giám định xác định, bị can chỉ bị hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã gây ra”, luật sư Kiên nói.
Theo cảnh sát, Tùng là đối tượng cộm cán, cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án “Cố ý gây thương tích” có tính...