Nông dân lấy rong ở đầm Trà Quế để bón cho rau. Ảnh: Q.T
Ông Nguyễn Hoang - Phó ban Nông nghiệp xã Cẩm Hà cho biết: “Ở làng rau Trà Quế có khoảng 200 hộ sản xuất và hầu hết đều sử dụng rong kèm bánh dầu để bón cho rau”. Ông Hoang cũng thông tin thêm, từ trước năm 1975, các cụ cao niên ở đây đã biết sử dụng rong để chăm bón rau, dần dà sau này mọi người thấy hiệu quả nên làm theo, bây giờ thì cả làng Trà Quế cùng sử dụng rong ở đầm để canh tác cây rau. Được biết, ở đầm Trà Quế có rong chân vịt, rong đuôi chồn… Đây là những loại rong nước ngọt kết hợp một chút nước lợ nên mới sử dụng để bón cho rau được chứ ở một số nơi khác của Hội An cũng có rong nhưng là rong nước mặn nên không thể dùng cho nông nghiệp.
Người dân địa phương cho hay, rong được khai thác vào sáng sớm hoặc chiều muộn bằng thúng chai. Người dân lấy thúng chai chèo quanh đầm kéo rong rồi chở về tập kết phơi qua một nắng cho héo là có thể đem bón cho rau. Rong ở đây giúp giữ độ ẩm rất tốt và còn làm tơi xốp đất nên rất thích hợp cho rau phát triển, đặc biệt thích hợp với hành, rau húng… Theo ông Mai Cử, người dân Trà Quế, trong làng hộ nào già yếu không lấy được rong thì các hộ khác lấy giùm để cùng bón cho cây rau. Rong có thời gian phân hủy nhanh hơn nhiều so với các loại lá cây khác nên càng thân thiện với môi trường. Người dân ở đây cũng cho biết các loại rau được bón rong có hương vị đặc biệt nên mọi người rất ý thức bảo vệ đầm, chỉ khai thác vừa đủ để sử dụng.
Sản lượng rong ở đầm Trà Quế (có diện tích khoảng 20ha) khá dồi dào và chưa khi nào người nông dân địa phương bị thiếu hụt nguồn rong để sản xuất. Theo ước tính của ông Nguyễn Hoang, mỗi sào rau ở Trà Quế một năm dùng hết khoảng 2 tấn rong, như vậy, 18ha rau canh tác ở làng mỗi năm dùng đến chừng 720 tấn rong. Trong mùa mưa, người dân vẫn có rong để bón cho rau bởi nước đầm có lên cao thì cây rong vẫn phát triển chứ không bị chết và khai thác xong thì rong lại mọc lại ngay nên nguồn cung không bị thiếu hụt. Giờ đây, việc sử dụng rong để bón cho rau đã được người dân Trà Quế coi như một tập quán trong sản xuất nông nghiệp từ đó dần hình thành nét đặc trưng cho làng rau nổi tiếng của xứ Quảng.