Năm 2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng đưa vào thử nghiệm mô hình trồng na giống mới. Sau 4 năm, cây na sinh trưởng tốt, cho quả như mong muốn. Mỗi cây được khống chế số lượng 10-20 quả để thuận tiện cho việc chăm sóc.
Người dân gọi giống na này là đoàn kết. Mỗi quả nặng từ 0,8 đến 1,2 kg. Na trồng 3 năm sẽ bói quả, năm thứ tư là có thể bắt đầu thu hoạch đại trà.
Mầm cây na ngoại đưa về ghép với thân cây na giống, sau nửa năm vết ghép trên thân liền, tạo sẹo là quá trình ghép đã thành công. Sau đó lá và thân cây sẽ mọc sum suê. Quá trình chăm sóc giống na mới không khác với giống na địa phương, tuy nhiên thời điểm na có quả sẽ phải tốn công hơn bởi quả na trọng lượng lớn thường gây gãy cành.
Giống na ra hoa, quả trong thời gian dài, người trồng tự thụ phấn để khống chế số lượng quả trên cây, loại bỏ quả có mẫu mã xấu.
Thời gian ra hoa và cho thu hoạch khoảng 100 ngày, sau đó có thể gối vụ. Việc cắt tỉa cành phù hợp sẽ kích thích ra hoa tại điểm cắt ngay sau thời gian cây liền sẹo.
Mỗi trái na đạt đến 0,5 kg sẽ được bọc lại để chống sâu bệnh và ruồi vàng. Người trồng phải buộc chống đỡ thân cành để tránh hiện tượng gãy cành, quả sa xuống đất gây thối và xấu mã.
Giống na mới (phải) và giống na bản địa có cùng trọng lượng 0,8 kg. Na mới có lớp vỏ nhẵn, mắt to hơn. Khi quả na mở mắt là có thể thu hoạch, thời gian chín kéo dài 7-10 ngày nên thuận tiện cho việc bảo quản, vận chuyển xa.
Quả na bổ ra màu trắng sáng, ngọt thanh, phần cuống nhỏ, ít hạt, nhiều hạt lép. Na rất thơm, phần thịt mịn, dai chiếm 80%. Mỗi quả na giá 100 nghìn đồng. Sau một vụ, người dân thu 4-5 triệu/cây.