Dân Việt

Sự bất lực của không quân Nga trong xung đột Gruzia

Vũ Anh 12/08/2018 13:17 GMT+7
Dù có sức mạnh áp đảo Gruzia, không quân Nga tác chiến kém hiệu quả và chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến chớp nhoáng.

Cường kích Su-25 Nga tấn công một đoàn xe Gruzia hôm 11.8.2008. Video: TASS.

Không quân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc xung đột cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Điều này được thể hiện khi tiêm kích Mỹ hủy diệt lực lượng bộ binh Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 hoặc chiến dịch không kích của NATO nhằm vào Nam Tư năm 1999. 

Ngược lại, trong cuộc chiến chớp nhoáng với Gruzia đầu tháng 8.2008, quân đội Nga chủ yếu dựa vào lực lượng đổ bộ đường không và bộ binh, trong khi không quân tỏ ra bất lực trong việc làm chủ bầu trời, thậm chí phải hứng chịu những thiệt hại khó chấp nhận với một cuộc xung đột chỉ kéo dài 5 ngày, theo website của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (CAST).

Cuộc chiến nổ ra khi Gruzia mở chiến dịch quân sự quy mô lớn vào vùng lãnh thổ tự trị Nam Ossetia đêm 7.8.2009, với mục đích tiêu diệt lực lượng tự vệ của Nam Ossetia và nhanh chóng chiếm thủ phủ Tskhinvali trước khi quân đội Nga kịp can thiệp.

Quân đội Gruzia có cơ hội đạt mục tiêu chiến lược đã đề ra, do bộ binh Nga phải di chuyển một cách chậm chạp qua đường hầm Roki giữa biên giới Nga và Nam Ossetia, khiến Moscow không thể triển khai lực lượng tới vùng lãnh thổ trong thời gian ngắn.

Nhiệm vụ của không quân Nga chính là yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị gìn giữ hòa bình Nga đóng tại Tskhinvali và lực lượng tự vệ Nam Ossetia đang bị quân đội Gruzia bao vây, dựa vào khả năng phản ứng nhanh và năng lực tiến công mạnh. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, không quân Nga sẽ chế áp, hủy diệt toàn bộ các đơn vị pháo binh Gruzia trước ngày 9.8, đồng thời chặn đứng cuộc tấn công Tskhinvali của Lữ đoàn bộ binh số 4 Gruzia.

Không quân Nga cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng dường như bị bất ngờ trước lưới phòng không của Gruzia. Vào thời điểm đó, Gruzia triển khai ít nhất một tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1 hiện đại, hai tiểu đoàn phòng không di động OSA-AK với 8 xe phóng và một số đơn vị OSA-AKM hiện đại hóa. Lưới phòng không dày đặc xuất hiện ngay ở khu vực chiến sự tại Nam Ossetia, cũng như bảo vệ các đô thị quan trọng của Gruzia như thủ đô Tbilisi và thành phố cửa ngõ Gori.

Không quân Nga mất ba cường kích Su-25 và một oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 do trúng hỏa lực phòng không của Gruzia ngay trong ngày đầu tham chiến.

Sau thiệt hại này, dường như mọi hoạt động tác chiến trên không của Moskva đều đình trệ. Các nhân chứng cho biết không có máy bay Nga nào xuất hiện trên bầu trời Tskhinvali vào ngày 8.8 và 9.8, giai đoạn căng thẳng và quan trọng nhất cuộc xung đột.

Trước thực tế đó, chỉ huy Nga phải gấp rút đưa các đơn vị bộ binh cơ giới vào thẳng chiến trường mà không kịp tập trung lực lượng, nhằm ngăn Tskhinvali thất thủ trước hàng loạt đợt tấn công của quân Gruzia.

Lực lượng Gruzia duy trì lợi thế chiến thuật ở ngoại vi Tskhinvali cho tới ngày 10.8 và chỉ bị chặn đứng trước sự kháng cự dữ dội từ lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và dân quân Nam Ossetia, cũng như việc bộ binh Gruzia không được chuẩn bị về tâm lý cho các trận đánh ác liệt trong đô thị.

img

Một cường kích Su-25 Nga thả bom xuống vị trí quân Gruzia hôm 11.8.2008

Sự bất lực của không quân Nga không chỉ bắt nguồn từ lưới phòng không dày đặc của Gruzia, mà còn bao gồm việc lực lượng này không có kênh liên lạc hiệu quả với các đơn vị mặt đất, cũng như thiếu thốn trang thiết bị chỉ thị mục tiêu. Những nhược điểm này đều được nhắc tới trong tài liệu tổng kết sau cuộc chiến của tướng Vladimir Shamanov, tư lệnh chiến dịch Chechnya giai đoạn 1995-1996 và 1999-2000.

Bên cạnh sự lạc hậu về công nghệ và khả năng sẵn sàng chiến đấu kém, các đợt cải cách quân đội Nga, bao gồm quá trình sáp nhập không quân lục quân vào không quân Nga năm 2004, cũng đóng vai trò không nhỏ trong sự thất bại của lực lượng này tại Nam Ossetia.

Trong 5 ngày chiến dịch, không quân Nga không thể chiếm ưu thế và giành quyền kiểm soát bầu trời. Các đơn vị bộ binh phải di chuyển dọc những tuyến đường núi hẹp, hoàn toàn không được bảo vệ khỏi các trận tấn công từ cường kích Su-25 Gruzia.

Báo cáo chiến trường cho thấy không có tiêm kích Nga nào yểm trợ lực lượng mặt đất, buộc họ phải dựa vào những tổ hợp phòng không tự hành và tên lửa vác vai có tầm hoạt động rất nhỏ. Quân đội Nga chịu rất ít thiệt hại chỉ nhờ vào việc phi công Gruzia được huấn luyện kém, không tận dụng được cơ hội trong các đợt không kích. "Thật khó tin được việc Nga không giành quyền kiểm soát bầu trời trong 5 ngày xung đột, dù đối phương không có bất kỳ đơn vị tiêm kích nào", các  chuyên gia của CAST cho biết.

Sau 5 ngày xung đột, Nga bị bắn rơi tới 7 máy bay các loại, chưa kể những chiếc trở về căn cứ nhưng bị hỏng quá nặng, không thể sửa chữa, không hoàn thành nhiệm vụ chế áp lực lượng phòng không đối phương. Các tổ hợp phòng không Gruzia chỉ bị vô hiệu hóa bởi bộ binh Nga sau ngày 11.8.

img

Cường kích Su-25 Nga bị hư hại sau khi trúng tên lửa Gruzia. Ảnh: TASS.

Chuyên gia của CAST cho rằng thất bại trong nhiệm vụ chế áp lực lượng phòng không đối phương là do phi công Nga chưa từng được huấn luyện và thực hiện mô hình tác chiến này, đặc biệt là khi nó không có tác dụng trong hai cuộc chiến Chechnya trước đó. Ngoài ra, chiến đấu cơ Nga phải đối mặt với nhiều hệ thống phòng không hiện đại, khác xa với cuộc đối đầu giữa tiêm kích NATO và các tổ hợp phòng không lạc hậu tại Nam Tư.

Chiến dịch quân sự tại Nam Ossetia cho thấy yêu cầu hiện đại hóa toàn diện không quân Nga nói riêng và quân đội Nga nói chung. Ngoài mua sắm những chiến đấu cơ đa năng và hiện đại hóa phi đội có sẵn, không quân Nga cũng phải đẩy mạnh việc huấn luyện phi công, tập trung vào nhiệm vụ làm chủ bầu trời và chế áp lưới phòng không đối phương.