Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn.
Sáng 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.
Nhiều chính sách cho vùng DTTS
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi về việc giảm nghèo bền vững vùng DTTS khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao, chênh lệch giàu nghèo lớn. Trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc (UBDT) trong vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp, ngành và "chính bản thân tôi". Số hộ nghèo DTTS chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo của cả nước, thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm...
Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc là cơ quan tham mưu chính, phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này. Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (đất, vay vốn, đào tạo nghề...). Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, việc thực thi chính sách còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu về: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền vận động để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào DTTS ...
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy về chính sách đầu tư cho các dân tộc ít người, Bộ trưởng cho biết có 16 DTTS dưới 10.000 người. Ủy ban đã tham mưu ban hành được 1 chính sách đặc thù để hỗ trợ cho từng dân tộc rất ít người. Trong đó, đã đầu tư trực tiếp cho 4 DTTS dưới 1000 người, xác định nhiệm vụ đầu tư cụ thể cho từng thôn bản, từng dân tộc...
Đại biểu Y Nhàn nêu vấn đề khó khăn về cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân ở Kon Tum còn lớn. Bộ trưởng cho biết khi nhận nhiệm vụ ông đã tới tất cả những vùng khó khăn nhất của cả nước, nên nắm rất rõ và thấu hiểu những khó khăn của đồng bào. Tuy nhiên, vừa qua do sự chuyển giao giữa 2 khóa nên việc đầu tư ngân sách cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, vướng mắc... Ủy ban dân tộc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị quyết, trình Quốc hội xem xét để bố trí vốn cho đồng bào.
Tăng vay ưu đãi, giảm cho không, hỗ trợ có điều kiện
Về hiệu quả đầu tư cho các xã khu vực 3, xã đặc biệt khó khăn, Bộ trưởng cho biết, chúng ta có một số thay đổi về chính sách, trong đó có chính sách tiếp cận nghèo đa chiều, nên tỷ lệ nghèo tăng lên. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa rồi, chúng ta đưa thêm 2 xã vào diện đầu tư 135. Tuy nhiên, khó nhất là suất đầu tư cho xã, thôn 135 quá thấp (chỉ khoảng 200 triệu 1/năm/thôn; 1 tỷ/xã) nên hiệu quả đầu tư chưa được như mong đợi.
Về xây dựng chính sách dân tộc, về tổng thể chính sách của chúng ta đã bao phủ toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế,... tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả bởi có những chính sách ban hành chưa cân đối được nguồn lực đầu tư, hoặc cân đối thấp; một số chính sách thiết kế chưa phù hợp, dẫn tới tình trạng 1 bộ phận đồng bào "không muốn ra khỏi diện hộ nghèo"...
Bộ trưởng cho rằng để giải quyết được vấn đề này cần tích hợp các chính sách vùng DTTS để thành chương trình Mục tiêu quốc gia. Chương trình này sẽ tập trung đầu tư nguồn lực, có mục tiêu cụ thể, được giám sát chặt chẽ, với tiêu chí đánh giá cụ thể để giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay tại vùng DTTS.
“Tại sao tôi cứ tha thiết đề nghị một chương trình mục tiêu quốc gia vì Hiến pháp đã quy định rõ Quốc hội quyết định chính sách dân tộc thì nếu không ra được luật thì cũng cần có 1 văn bản thống nhất ở tầm quốc gia như vậy thì mới đủ sức mạnh thực hiện” – Chủ nhiệm UB Dân tộc giải thích.
Ngoài ra cần chú trọng giải pháp "tăng vay ưu đãi, giảm cho không". Triển khai "hỗ trợ có điều kiện". Bộ trưởng lấy ví dụ, tôi hỗ trợ anh thì anh phải cam kết phấn đấu 3 năm thoát khỏi hộ nghèo, xã nghèo và cho biết tỉnh Quảng Ngãi thực hiện rất tốt giải pháp này...