Giả vờ tâm thần, bị can khó “qua mặt” giám định viên. (Ảnh minh họa)
Công an TP.Hà Nội đang điều tra, làm rõ vụ việc 2 bị can là bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Tâm thần ở Hà Nội làm giả bệnh án tâm thần cho đối tượng Lê Thanh Tùng (SN 1986, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) – đối tượng cộm cán, cầm đầu nhóm đối tượng gây ra vụ án “Cố ý gây thương tích” có tính chất băng nhóm thanh toán lẫn nhau.
Theo điều tra, Tùng đã bỏ 85 triệu đồng để “chạy” bệnh án tâm thần với kết luận “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng”. Sau khi bị cơ quan truy cứu trách nhiệm hình sự, Tùng đã cung cấp cho công an bệnh án giả nhằm trốn tránh việc xử lý.
Trao đổi với PV, TS.Ngô Văn Vinh, Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho biết, bệnh án tâm thần là tài liệu ban đầu để cơ quan tố tụng quyết định trưng cầu giám định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can. Kết luận giám định của cơ quan thực hiện việc trưng cầu giám định mới là căn cứ để cơ quan tố tụng đưa ra hình thức xử lý bị can.
Việc giám định pháp y tâm thần hiện nay được thực hiện theo Thông tư 18/2015 của Bộ Y tế. Trong thông tư này, Bộ Y tế quy định chi tiết quy trình giám định với từng hình thức giám định.
Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho biết, theo quy định của luật giám định tư pháp có 2 quy định, giám định cá nhân và giám định tập thể. Việc yêu cầu hình thức giám định nào cho đối tượng giám định phụ thuộc vào yêu cầu cơ quan tố tụng.
Cụ thể, cơ quan tố tụng trưng cầu trực tiếp cá nhân giám định viên thì giám định viên phải chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối. Trường hợp cơ quan tố tụng trưng cầu tổ chức giám định thì tổ chức sẽ phân công giám định viên thực hiện.
“Giám định pháp y tâm thần rất phức tạp nên cơ quan tố tụng đa số trưng cầu giám định tập thể. Theo quy định, sau khi tiếp nhận đối tượng giám định, các giám định viên sẽ nghiên cứu hồ sơ, theo dõi đối tượng giám định; thăm khám lâm sàng đối tượng giám định; thăm khám cận lâm sàng đối với đối tượng giám định.
Sau đó, các giám định viên sẽ họp, tham gia giám định trực tiếp thăm khám lâm sàng đối tượng giám định rồi thảo luận trước khi đưa ra kết luận giám định”, TS.Ngô Văn Vinh nói.
Trả lời câu hỏi, quá trình giám định, bị can giả vờ bị tâm thần thì các giám định viên có bị “qua mặt” không? TS.Ngô Văn Vinh khẳng định, các bị can giả vờ bị tâm thần không thể “qua mặt” được các giám định viên nếu quy trình trưng cầu giám định được tuân thủ chặt chẽ.
“Một người bình thường rất khó để giả vờ làm một người bị tâm thần. Theo quy định, việc trưng cầu giám định kéo dài từ 3-6 tuần. Trong thời gian này, giám định viện áp dụng nhiều biện pháp nghiệm vụ như thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, xét nghiệm, theo dõi đối tượng giám định trực tiếp bằng mắt, theo dõi thông qua thiết bị kỹ thuật...Vì vậy việc giả tâm thần là không thể làm được”, TS.Ngô Văn Vinh nói.
Luật sư cho biết, người phạm tội vẫn có thể ngồi tù ngay cả khi có bệnh án tâm thần thật.