Dân Việt

Nuôi đàn lợn sọc dưa đẹp như thú cưng, thích bán lúc nào cũng được

Mộc Trà 17/08/2018 07:05 GMT+7
Từng con lợn sọc dưa phóng nhanh như tên lửa, lao đến khi “chị chủ” Lý Thị Yến thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đưa những lá chuối vào trong chuồng. Chỉ sau vài phút, những tàu lá chuối to oành ấy đã bị đàn lợn sọc dưa ngấu nghiến không còn một miếng. Nhờ khéo tay chăm đàn lợn sọc dưa ấy mà chị Yến có thu nhập hơn trăm triệu/năm.

Dẫn chúng tôi thăm trại lợn của gia đình chị Yến bảo: “Có thức ăn gì là mấy chú này “xơi tái” ngay. Không cần phải nấu cám bã gì cho mệt. Những chú lợn con hình sọc dưa này trông đáng yêu, nhìn như thú cưng...”. 

Trước khi nuôi đàn lợn sọc dưa này chị cũng đã nhiều năm nuôi lợn trắng (lợn nhà) nhưng hiệu quả kinh tế không cao, lợn hay ốm rồi giá cả trồi sụt thất thường. Sau này mới biết tới giống lợn rừng này nên từ năm 2015 chị mới chuyển sang nuôi giống lợn này. “Nghề chăn nuôi tuy vất vả nhưng nhà nông thì không thể không chăn nuôi. Vì vậy sau khi tham quan, học hỏi về kỹ thuật nuôi lợn rừng, năm 2015 gia đình tôi mới mạnh dạn chuyển sang nuôi giống lợn rừng này”, chị Yến nói.

img

Thức ăn chủ yếu của đàn lượn rừng là cây chuối, cỏ voi, lá cây và 20% là cám gạo dể bổ sinh ít tinh bột.

Thời gian đầu khi mới chăn nuôi lợn rừng, vốn chưa có nhiều, chị Yến chỉ đăng ký mua 18 con giống. Kinh nghiệm chưa có, chuồng trại đơn sơ, dịch bệnh nhiều nên thu nhập của chị cũng bếp bênh.

“Ban đầu, tôi quây một góc vườn vừa thả vừa nhốt để cho lợn quen dần, rồi sau đó chuyển sang chăn nuôi theo hình thức bán thả rông, có sân cho lợn rừng vận động, tắm nắng. Với số vốn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng tôi đã mua 18 con lợn giống để gây đàn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đàn lợn đã bị bệnh và chết mất 12 con chỉ còn sót lại duy nhất 6 con. Lúc đó buồn lắm, nợ cũ chưa trả lại thêm nợ mới”, chị Yến chia sẻ.

Trời không phụ lòng người sau một thời gian nuôi, giống lợn dần thích nghi với điều kiện hiện, đàn lợn ngày một phát triển. Từ 6 chú lợn rừng sống sót đã được chị Yến chăm sóc và phát triển lên thành 6 lợn nái sinh sản, 1 lợn đực giống mua thêm. Sau một năm nỗ lực và cố gắng, kiên trì, học hỏi,  chị cho xuất chuồng 35 con lợn giống đầu tiên và thu về gần 100 triệu đồng đầu tiên.

img

Những chú lợn sọc dừa mập mạp, lông bóng mượt đáng yêu, chị Yến trông chúng giống như những con thú cưng.

Như vậy cứ sau 4 tháng chị Yến lại có một lứa lợn từ 30 – 40 con. Bằng cách thả gối đàn, lúc nào trong chuồng nhà chị Yến cũng có gần 100 con lợn rừng.

Về kinh nghiệm nuôi lợn rừng, theo chị Yến thì nuôi lợn rừng không khó, do đặc tính của chúng thích sống ở môi trường tự nhiên hoang dã, chuồng trại cũng chỉ cần đơn giản. Việc xây hay ngăn chuồng chỉ phục vụ cho lợn nái lúc đẻ, chúng chủ yếu ngủ ngoài trời nên đầu tư xây chuồng trại chi phí không lớn.

img

Lợn rừng có sức đề kháng và dễ nuôi hơn nhiều so với lợn trắng.

Lợn rừng mẹ nuôi dưỡng và chăm sóc con rất khéo nên người chăn nuôi chủ yếu là chuẩn bị đủ nguồn thức ăn cho chúng. Lợn rừng là loài ăn tạp và ham ăn, nên cũng dễ nuôi, đến 80 % thực đơn chỉ là cỏ voi, lá cây phụ phẩm nông nghiệp rẻ tiền, dễ kiếm và không cần nấu nướng tốn củi lửa, nhân công. Người nuôi chỉ phải đầu tư một ít thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo chiếm khoảng 20% trong khẩu phần ăn.

Về kỹ thuật nuôi lợn rừng, chị Yến cho rằng cũng đơn giản. Lợn rừng có sức đề kháng rất tốt, thỉnh thoảng chỉ thấy mắc bệnh ngoài da và rối loạn tiêu hóa đơn giản, do đó chi phí về thú y là không đáng kể. Bên cạnh đó có thể khai thác thịt ngay từ 6 tháng tuổi với trọng lượng 30 kg, nuôi với khoảng thời gian trên một năm có thể đạt tới 60 kg.

Hiện tại trang trại nhà chị Yến có khoảng hơn 20 con lợn rừng chuẩn bị xuất bán làm con giống, hơn 50 con nhỏ và 6-7 lợn mẹ. Với mức giá thịt lợn rừng luôn cao hơn thịt lợn nhà, giá bán dao động từ 100 -120.000/kg thịt hơi. Còn lợn giống thì bán giá 200.000/kg. Hiện nay thị trường đang có nhu cầu lớn về con giống lợn rừng, cũng như lợn rừng thương phẩm nên nuôi lợn rừng đang là nghề rất hấp dẫn mà hiện nay trên địa bàn Lạng Sơn, trong khi đó hộ nuôi loài vật này vẫn còn khá khiêm tốn.

img

Đàn lợn nằm, chạy nhảy vui chơi sau khi gặm ngấm xong một sọt lá chuối và cỏ voi.

Do chu kỳ sinh sản của lợn rừng mẹ từ 7 – 8 tháng tuổi là có thể phối giống thành công, mang thai 124 ngày, mỗi lứa đẻ từ 8 đến 10 con, sau 2 tháng tách sữa con lợn mẹ lại có thể phối giống cho lứa sau, nên năm nay gia đình chị có thể cung ứng được khoảng hơn 50 con lợn giống, chủ yếu cung cấp giống cho các hộ chăn nuôi ở các huyện trong tỉnh. Nhờ chăm chỉ, đảm đang, chị Yến mát tay chăm đàn lợn sọc dưa mỗi năm xuất hơn 2 tấn thịt thu về hơn trăm triệu đồng. Đồng thời còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho lao động địa phương với thu nhập ổn định...