Dân Việt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo việc vay vốn Trung Quốc

Nguyễn Tuyền 14/08/2018 08:39 GMT+7
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025 trình Thủ tướng, trong đó đáng chú ý, Bộ này đề nghị cân nhắc việc vay vốn từ Trung Quốc.

img

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tiêu biểu cho những đặc điểm của vốn vay Trung Quốc tại Việt Nam

Cụ thể, trong báo cáo, Bộ KH&ĐT khẳng định: Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

"Vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm", báo cáo của Bộ KH&ĐT nói rõ.

Các khoảng vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Bộ KH&ĐT khẳng định: "Tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ, Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư".

Bộ này đề xuất Chính phủ trong định hướng đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc thời gian tới "cần được xem xét và cân nhắc".

Hiện, Việt Nam đang tiếp cận vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi từ đa phương và song phương. Từ đa phương là vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD).., trong đó vốn WB và ADB chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Tuy nhiên, do đã trở thành nước thu nhập trung bình nên Việt Nam ít tiếp cận vốn ưu đãi từ WB; còn vốn vay ADB, dự kiến đầu năm 2019 Việt Nam sẽ bị hạn chế vay vốn ưu đãi.

Ngoài Trung Quốc, Bộ KH&ĐT đã nêu đặc điểm của luồng vốn ODA và vay ưu đãi từ Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đang cho Việt Nam vay khoản tiền lớn để xây dựng nhiều công trình cầu và đường có vai trò chiến lược tại Việt Nam như: Sân bây T2 và nhà ga quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân (Hà Nội), Cầu Bãi Cháy... Các khoản vay song phương từ các đối tác không được Bộ KH&ĐT ghi chú đề xuất gửi Chính phủ.

Trên thực tế, những dẫn chứng của Bộ KH&ĐT cảnh báo vốn vay từ Trung Quốc thời gian sắp tới hoàn toàn có cơ sở bởi hiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách đầu tư ra nước ngoài, chuyển giao công nghệ cũ và thực hiện chiến lược: Một vành đai, một con đường của mình.

Thời gian qua, tại Việt Nam một số dự án có liên quan đến vay vốn, hợp tác với Trung Quốc đã để lại tiếng xấu và hệ luỵ rất lớn cho nền kinh tế. Đơn cử 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương, có nhiều dấu ấn của nhà thầu, chủ thầu của Trung Quốc như: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2...

Rõ nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), một dự án vừa đội nhiều vốn lại vừa chậm tiến độ gây nhiều phiền toái cho người dân Thủ đô.