Với chiều dài hơn 5 km, rừng phòng hộ ngập mặn ven biển của huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đang bị túi nylon "bức tử".
Quan sát của phóng viên tại cửa biển xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), khi triều rút xuống, hàng nghìn túi rác nilon phủ trắng những thân cây sú, vẹt..
Bà Nguyễn Thị Duyên nhặt từng túi nilon bám vào ngọn sú, vẹt. Ảnh: Minh Thượng
Bà Nguyễn Thị Duyên (thôn Minh Hải, xã Minh Lộc) vừa với tay kéo túi nilon từ thân cây sú gần đó vừa nói với phóng viên: "Rác cuộn từ gốc cây cho tới ngọn nên cây không thể lớn nổi. Trông rất xót ruột".
Phóng viên tiếp tục đi dọc theo bờ biển 5 xã ven biển thuộc huyện Hậu Lộc thấy, không chỉ túi nilon mà còn có đủ các loại rác khác như áo quần, xác động vật, chai lọ chất thành đống, bốc mùi rát khó chịu.
Bà Vũ Thị Sáu (thôn Minh Thọ, xã Minh Lộc) ngao ngán nói: "Cứ mỗi sáng mai, khi ra biển, tôi nhìn cảnh tượng này mà rất chạnh lòng. Do rác phân hủy mạnh nên sinh hoạt nhiều hộ dân cũng bị ảnh hưởng".
Rác thành "núi" trên triền đê. Ảnh: Minh Thượng
Trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Huy Bổ - Chủ tịch UBND xã Minh Lộc nói: "Tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã trồng cây sú, vẹt khoảng 5 ha, cây được trồng chủ yếu từ đầu năm 2018. Dự án rừng ngập mặn do tổ chức khắc phục bão lụt miền Trung thực hiện, họ có trách nhiệm chăm sóc, theo dõi sự phát triển của rừng cây. Riêng địa phương chỉ đóng vai trò bảo vệ".
Cả rừng rác. Ảnh: Minh Thượng
"Rác dọc các mặt đê cũng như túi nilon bám vào thân cây sú, vẹt do vừa qua là cơn bão số 3, nước biển lên cao, sóng đánh mạnh nên rác từ các nơi đưa về bám chằng chịt vào diện tích rừng mới trồng.
Chúng tôi sẽ có trách nhiệm thông báo đến tổ chức khắc phục bão lụt miền Trung để họ cho người xử lý. Còn rác trên các mặt đê, sau khi các anh phản ánh, tôi cho anh em, đoàn thể sớm thu gom để đưa đi xử lý" - ông Vũ Huy Bổ cho biết thêm.