Dân Việt

Mỹ rút quân, Iraq có bình yên?

14/12/2011 06:19 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 12.12 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Barack Obama tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 9 năm qua tại Iraq. Tuy nhiên, vẫn còn một nỗi lo hiện hữu rằng: Mỹ rút đi, liệu Iraq có thực sự bình yên?

Tiềm ẩn thách thức

Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng sáng 12.12 sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Malaki, ông Obama tuyên bố: "Sau gần 9 năm, cuộc chiến của Mỹ tại Iraq sẽ chấm dứt trong tháng này. Chúng tôi có mặt tại đây hôm nay để đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến này và mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước và từ hôm nay một nước Iraq mới sẽ tự quyết định số phận của mình”.

img
Lính Mỹ sẽ rút quân khỏi Iraq sau ngày 31.12.

Ông Obama thừa nhận Iraq đã có những bước tiến dài, nhưng triển vọng an ninh ở phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, đồng thời hối thúc các quốc gia láng giềng không nên can thiệp công việc nội bộ của Iraq.

Sau khi đưa ra tuyên bố trên, ông Obama cho biết Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cam kết duy trì an ninh và hỗ trợ Iraq phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực dầu khí. Đáp lại, Thủ tướng Iraq Malaki bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục hợp tác với Iraq trong các vấn đề như an ninh, chống khủng bố, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng của quốc gia Trung Đông này.

Theo kế hoạch, sau ngày 31.12.2011, Mỹ sẽ chỉ duy trì khoảng 50.000 binh lính chuyên làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và cung cấp tin tức tình báo cho các lực lượng của Iraq. Tổng số lính Mỹ từng tham chiến tại Iraq 9 năm qua là khoảng 1 triệu người, lúc cao điểm nhất vào năm 2007 có đến 170.000 lính Mỹ đồn trú tại Iraq.

Nỗi đau dai dẳng

Cuộc chiến Iraq là chiến dịch quân sự tốn kém nhất của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và là cuộc xung đột bên ngoài kéo dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ vì thế nó sẽ để lại nỗi đau dai dẳng đối với nước Mỹ về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự cũng như xã hội. Theo tính toán, cái giá của cuộc chiến tranh này đã lên hơn 800 tỷ USD. Nếu tính cả chi phí bí mật cho việc thay thế vũ khí và đền bù cho các binh lính Mỹ thì cuộc chiến Iraq đã ngốn hết khoảng 2-3 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tommy Vietor ngày 12.12 cho biết, Mỹ có kế hoạch bán thêm 18 máy bay chiến đấu F-16 cho Iraq trong bối cảnh Baghdad đang tìm cách bảo vệ không phận sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này.

Hơn 4.500 binh lính Mỹ đã tử trận trong những năm qua. Khoảng 2 triệu người Iraq đã phải dời bỏ nhà cửa đi tỵ nạn khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào nước này. Cuộc chiến tranh đã tàn phá xã hội Iraq và lấy đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Trong khi đó, bạo động diễn ra khắp Trung Đông khiến cho hệ thống chính trị ở đây luôn chịu áp lực trước những bế tắc đối với sự chia rẽ mạnh mẽ về giáo phái và dân tộc.

Bạo lực ở đó khác xa với cuộc tàn sát giữa các giáo phái năm 2006-2007, nhưng Iraq vẫn phải gánh chịu những cuộc tấn công hàng ngày do lực lượng nổi loạn kết hợp với nhóm Al-Qaeda và từ phía các giáo sĩ dòng Shiite.

Cỗ máy chiến tranh của Mỹ sẽ không thể hồi phục với vũ khí đã hao mòn, tinh thần cũng như sức khỏe của các binh lính sa sút. Khoảng 20% các binh lính của Mỹ có vấn đề về trí não do kết quả của những cuộc chiến tranh lâu dài ở Iraq và Afghanistan.