Dân Việt

Rác thải sinh hoạt ùn ứ nơi “cửa ngõ” huyện miền núi của Lạng Sơn

Mộc Trà 07/09/2018 10:09 GMT+7
Từng bịch, bao rác thải bốc mùi hôi thối được vứt ngay đầu cầu Khánh Khê, thuộc địa phận thôn Bản Khính, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan (Lạng Sơn), cách tấm biển “Văn Quan kính chào quý khách” không xa khiến ai đi qua cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.

Rác ngổn ngang, bốc mùi nơi “cửa ngõ”

Quốc lộ 1B là tuyến đường kết nối các huyện Cao Lộc- Văn Quan- Bình Gia- Bắc Sơn- tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên thời gian qua, những bãi tập kết rác thải sinh hoạt đua nhau mọc lên ven đường quốc lộ này. Đặc biệt ngay đoạn “cửa ngõ” của huyện Văn Quan đập vào mắt người nhìn đó là những bịch, bao túi nilon rác thải sinh hoạt bốc mùi rất mất vệ sinh và mỹ quan khiến người tham gia giao thông và người dân sống quanh khu vực hết sức bức xúc.

img

Ngay tấm biển "Văn Quan kính chào quý khách" là một đống rác thải sinh hoạt, vứt vừa bãi trên cầu gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bãi rác không phép này tồn tại đã nhiều năm nay, chủ yếu là rác sinh hoạt và rác thải từ khu chợ ngay gần kề. Không chỉ đoạn trên cầu, ngay dưới chân cầu rác cũng rất nhiều.

Sau mỗi trận mưa lớn, số lượng rác thải càng ô nhiễm gấp bội khi theo dòng nước lũ của con sông Kỳ Cùng đổ về hạ nguồn. Những người dân sống quanh khu vực cho biết: Mùa hè nóng nực, rác tồn đọng lâu ngày bốc mùi hôi thối. Mỗi lần có đợt gió thổi qua là nhà dân ngay cạnh phải hứng chịu mùi.

img

Ngay dưới chân cầu toàn rác là rác...

Anh Hoàng Văn Đường, người dân sống gần đó cho hay: “Ở đây lúc nào cũng đầy rác, mùi lắm. Rác này chủ yếu là từ chợ Khánh Khê và do người dân đổ trộm. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn mất mỹ quan nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm”.

img

Rác chủ yếu là rác thải sinh hoạt nên gây mùi hôi thối và vứt ngay dọc đường nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Bà Vy Thị Nhung, người thường xuyên tham gia giao thông qua đoạn này cho biết: "Tôi hay đi lại qua đây, bãi rác tồn tại cũng đã lâu, lại ngay cửa ngõ của huyện nhà trông rất phản cảm, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường”.

Điều đáng nói là điểm tập kết rác nằm sát ngay đường quốc lộ, ngay cửa ngõ của 1 xã, 1 huyện, vi phạm hành lang an toàn giao thông nhưng không hiểu sao, bao năm qua tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý?

img

Tấm biển cấm đổ rác không còn lành lặn, không phát huy tác dụng của nó...

Eo hẹp về kinh phí

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Khê, huyện Văn Quan cho biết: Khó khăn của xã hiện nay là chưa có bãi tập kết rác thải, chỉ có điểm thu gom tập kết tạm thời, tuy nhiên xã đã được Phòng TNMT huyện phân bổ kinh phí phối hợp với công ty môi trường Tân Minh huyện Văn Quan vận chuyển rác đi nơi tập kết của huyện nhưng chỉ trong phạm vi quanh khu vực chợ Khánh Khê. 

Bình thường vào những hôm họp chợ sẽ có một nhân viên thu gom rác tại khu chợ mang đến khu tập kết tạm thời, nhưng khoảng 1 vài ngày mới có xe mới đến thu gom vận chuyển đi một lần, nên lượng rác thải quá tải, cũng gây ô nhiễm.

img

 Ông Hoàng Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Khê, huyện Văn Quan.img

Số rác thải này theo vị Phó chủ tịch xã cho biết đó là rác thải người dân ở địa phương khác lợi dụng đêm khuya mang sang đổ trộm. 

"Ðể hạn chế ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải trong khu dân cư, hầu hết bà con nhân dân trong xã đã tổ chức được việc thu gom rác thải về điểm tập trung. Nhưng vẫn xuất hiện tình trạng đổ trộm, đặc biệt là khu vực đầu cầu Khánh Khê, ngay “cửa ngõ” của huyện. Nhiều lần chính quyền xã cũng đã tổ chức bắt quả tang nhưng không được. Trường hợp bắt được đối tượng hay doanh nghiệp nào đổ trộm rác xuống đường sẽ lập tức xử lý theo quy định", ông Mẫn nói.

img

Từng bọc nilon rác thải, bao tải chứa rác vứt bừa bãi, chất đống ngay đầu cầu Khánh Khê rất ô nhiễm và mất mỹ quan.

Ông Mẫn cũng cho biết thêm: Do xã còn khó khăn về kinh phí vận chuyển và xử lý, hiện tại xã mới duy trì mức thu 6.000đ/ hộ/ tháng, hộ kinh doanh thì thu 30.000đ/hộ/tháng, chỉ đủ chi trả công vận chuyển về bãi rác tập trung của huyện. Còn nếu vận chuyển đi nơi tập kết của Tỉnh thuộc địa phận Huyện Văn Lãng thì cần kinh phí lớn hơn, điều này cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận từ phía người dân.

Đảm bảo môi trường ở nông thôn là một trong những tiêu chí bắt buộc phải hoàn thành trong chương trình xây dựng NTM, tuy nhiên, thực tế ở xã Khánh Khê cho thấy, đây là một trong những chỉ tiêu rất khó để hoàn thành nếu không có sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền và sự chủ động thực hiện từ người dân.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn vệ sinh trong cán bộ và nhân dân là cần thiết; tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường đảm bảo công tác vệ sinh môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

img

Rác ngập tràn dưới chân cầu..

img

Để giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan trên, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần sớm vào cuộc để tìm ra những giải pháp phù hợp, giải quyết dứt điểm tình trạng, trả lại môi trường trong sạch cho "cửa ngõ" của huyện nhà.