Mối họa từ tấm fibro xi măng
Theo thống kê của UBND xã Long Sơn, toàn xã hiện có 553 hộ nuôi hàu, với diện tích hơn 90ha, ước sản lượng thu hoạch khoảng 1.384 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các thôn 4, 8, 9 và thôn Bến Điệp.
Trong đó, có trên 80% người dân sử dụng tấm fibro xi măng để làm giá thể, với khoảng 300.000 mảnh/vụ. Số ít người dân sử dụng vỏ cao su xe gắn máy, cọc gỗ bao xi măng bên ngoài và tái sử dụng vỏ hàu để làm giá thể nuôi hàu.
Khu vực Bến Điệp, xã Long Sơn, hàng ngàn mảnh fibro xi măng nhô lên khi con nước xuống. Ảnh: P.T
Với bãi hàu hơn 1ha tại khu vực Bến Điệp, ông Nguyễn Thành Tài thu hoạch hàng chục tấn hàu/năm. “Biết nuôi hàu bằng tôn xi măng về lâu dài gây ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ ngộ độc, nhưng hầu hết người nuôi vẫn sử dụng vì chi phí đầu tư thấp” - ông Tài chia sẻ.
Ông Nguyễn Trung Tâm (tổ 7, thôn 9, xã Long Sơn), người có kinh nghiệm gần 10 năm nuôi hàu cho biết, trước đây, người nuôi chủ yếu dùng cọc tre, gỗ cắm xuống sông cho hàu non tự nhiên bám vào. Tuy nhiên, cọc tre và gỗ mau hư hỏng, phải thường xuyên thay mới, gây tốn kém.
Sử dụng tôn xi măng, chi phí đầu tư thấp hơn, hàu phát triển tốt nên bà con đã đổ xô mua về dùng mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thậm chí sau khi thu hoạch, những mảnh tôn này được người nuôi vứt ngay xuống lòng sông.
Hợp tác xã Thủy sản Hiệp Thành (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) đầu tư 30 lồng bè để nuôi hàu lá trên sông Chà Và. Trước năm 2016, HTX thu hoạch trên 40 tấn hàu/vụ, tuy nhiên việc người dân ồ ạt nuôi hàu bằng tôn xi măng, vứt bỏ bừa bãi sau thu hoạch, dẫn đến đáy sông ngày càng bị bồi lắng, tích tụ cặn bã gây ô nhiễm nguồn nước và tác động trực tiếp đến số lượng ấu trùng hàu suy giảm, hàu sinh trưởng chậm.
"Việc nuôi hàu của của HTX ngày càng gặp khó khăn hơn, năng suất giảm, hiện mỗi năm thu hoạch chừng 20 tấn hàu lá, các xã viên dần chuyển đổi ngành nghề”, ông Nguyễn Văn Trinh, Giám đốc HTX Thủy sản Hiệp Thành cho hay.
Ông Hồ Minh Thu (ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, Long Điền), người nuôi hàu trên sông Chà Và cho biết, sau khi thu hoạch, hầu hết các mảnh fibro xi măng được người nuôi vứt bỏ ngay xuống sông. Ảnh: P.T
Người nuôi cầu cứu cơ quan chức năng
Trong khuôn viên sân nhà anh Võ Minh Quang (tổ 2, thôn 8, xã Long Sơn), chất gần 100 bao (loại 50kg) đựng vỏ hàu cũ mà anh thu mua từ các nơi về để gia công làm giá thể nuôi hàu.
Mỗi ngày, gia đình anh Võ Minh Quang (tổ 2, thôn 8, xã Long Sơn) sản xuất hàng trăm xâu vỏ hàu cũ vẫn không đủ cung cấp cho thị trường người nuôi hàu. Ảnh: P.T
Khi hỏi về giá bán mỗi vỏ hàu cũ được kết thành xâu, anh Quang nói: “Giá cả không thể nói trước được, tùy theo thị trường cung cầu. Hiện nay, việc sử dụng vỏ hàu làm giá thể nuôi hàu cho thịt trắng, ngon hơn nên người tiêu dùng ưa chuộng, do đó, sản xuất vỏ hàu cũ không đủ cung cấp cho người nuôi hàu”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, một số người nuôi hàu tại Long Sơn cho biết, giá 1 xâu 5 vỏ hàu cũ là 10.000 đồng, chi phí khá cao so với dùng tấm fibro xi măng.
Ông Hồ Minh Thu (ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đang đầu tư cả tỷ đồng làm bè diện tích 1.000m2, treo khoảng 25.000 giá thể là vỏ hàu cũ và tấm fibro xi măng để nuôi hàu Thái Bình Dương và hàu lá. Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 20 tấn hàu thương phẩm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông lãi khoảng 100 triệu đồng.
“Hiện, tôi vẫn sử dụng khoảng 1.000 mảnh tôn xi măng để nuôi hàu lá vì chi phí đầu tư thấp. Dù cơ quan chức năng khuyến cáo về tính độc hại của tôn xi măng, nhưng hiện nay chưa có vật liệu nào hiệu quả hơn, nên tôi vẫn dùng tôn xi măng làm giá thể. Tôi cũng mong các ngành chức năng nghiên cứu ra vật liệu khác phù hợp với điều kiện sản xuất của người nuôi hàu” - ông Thu chia sẻ.
Ông Hồ Minh Thu (ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, Long Điền) chủ yếu sử dụng vỏ hàu làm giá thể nuôi hàu Thái Bình Dương trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Ảnh: P.T
Bên cạnh việc sử dụng giá thể là vỏ hàu cũ, người nuôi hàu ở Long Sơn đang rất mong chờ các cấp, các ngành chức năng sớm nghiên cứu, tìm ra các loại vật liệu nuôi mới, thân thiện với môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường nước để bà con sử dụng nuôi hàu, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, góp phần phát triển nghề nuôi hàu của địa phương một cách bền vững.
“Dù có nhiều tiện ích nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc sử dụng tấm lợp fibro xi măng (vật liệu chứa amiăng) ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Điều này đã được Cục Y tế môi trường (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Trước mắt, khi chưa có vật liệu gì thay thế hữu hiệu, chúng tôi khuyến khích bà con có thể dùng cọc gỗ hoặc vỏ hàu xâu dây làm giá thể cho hàu sinh sống” - ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT Bà Rịa Vũng Tàu cho biết. |