Lộ trình cổ phần hóa Vinalines
Dự kiến đầu tháng 9.2018, hơn 488,8 triệu cổ phần của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ sẽ được đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá khởi điểm của đợt đấu giá là 10.000 đồng/cp. Với lượng cổ phiếu mang ra đấu giá, dự kiến, số tiền thu về từ đợt bán đấu giá này ít nhất là 4.888 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa trước đó, tổng số cổ phần phát hành lần đầu của Vinalines là hơn 1.404,6 triệu cổ phần. Trong đó, cổ phần Nhà nước là hơn 912 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207,8 triệu cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 280,9 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại được bán ưu đãi cho người lại động trong doanh nghiệp.
Cơ cấu vốn điều lệ của Vinalines
Song do chỉ có mình Công ty TNHH SK Securities (thuộc tập đoàn SK Group của Hàn Quốc) đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng không đáp ứng đủ điều kiện, Bộ Giao thông Vận tải phải chuyển số cổ phần dự kiến chào bán cho cổ đông chiến lược thành cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai.
Thậm chí, trong bản công bố thông tin về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đánh giá, thị trường vận tải biển trong những năm đầu của giai đoạn 2018-2020 dự kiến vẫn phục hồi chậm nên các doanh nghiệp vận tải biển chỉ cố gắng duy trì ổn định hoạt động của đội tàu.
Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Vinalines dự kiến doanh thu đạt 533,8 tỷ đồng, lỗ luỹ kế sau thuế gần 1.141 tỷ đồng. Đến nửa sau năm 2018, công ty dự kiến lãi 143,9 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh như vậy, Vinalines có gì hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư?
Lợi nhuận không tương xứng tiềm năng
Vinalines kinh doanh ba ngành nghề chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Tính tới cuối năm 2017 Vinalines là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước với 84 chiếc, đạt tổng tải trọng 1.800.625 tấn, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia.
Tiềm năng to lớn của Vinalines
Song giai đoạn 2012-2015, Vinalines từng đứng trước bờ vực phá sản do giá cước vận tải thế giới liên tục đi xuống. Phải tới năm 2015, Vinalines mới chính thức thoát lỗ, ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 525,9 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, lợi nhuận của Vinalines giảm xuống còn 388,8 tỷ đồng.
Trong năm 2017, Vinalines ghi nhận doanh thu đạt 13.561 tỷ đồng, giảm 7% do giảm trọng tải đội tàu. Song giá vốn giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 809 tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước.
Do giảm bớt gánh nặng nợ vay nên chi phí tài chính giảm mạnh, tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn chiếm đến 917 tỷ đồng khiến công ty lỗ thuần 537 tỷ đồng. Hoạt động khác mang về lợi nhuận 1.500 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa năm 2016.
Với những biến động lớn trên Vinalines báo lãi trước thuế đến 969 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 748 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm cũ.
Về hoạt động đầu tư, Vinaline cho biết đã hoàn thành cảng Vinalines Hậu Giang; dự án Cảng Lạch Huyện đã được trình Bộ Kế hoạch đầu tư xin phê duyệt chủ trương đầu tư; nhượng bán, thanh lý 8 tàu biển với tổng trọng tải 222.445 tấn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đến 31.12.2017 doanh nghiệp này đang có số lỗ lũy kế là gần 3.254 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vinaline cũng suy giảm gần 900 tỷ còn 28.138 tỷ đồng, chủ yếu là sự suy giảm về tài sản cố định hữu hình do thanh lý đội tàu.
Nợ phải trả của Vinalines theo đó cũng giảm mạnh về 20.169 tỷ đồng. Tổng vay nợ giảm gần 4.200 tỷ, xuống còn 11.219 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng tài sản. Tổng công ty cũng có 11.655 tỷ vốn góp chủ sở hữu và ghi âm 3.361 tỷ đồng do chênh lệch đánh giá lại tài sản.
Tàu Vinalines Sky cũng nằm trong danh sách thanh lý của Vinalines
Mới đây, Vinalines cũng đã công bố dự báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của công ty mẹ với tổng doanh thu đạt hơn 6.650 tỷ đồng và lợi nhuận công ty mẹ đạt 73 tỷ đồng. So với mục tiêu 668 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm 2018 thì con số 73 tỷ đồng như trên rõ ràng là rất thấp.
Theo Vinalines, lợi nhuận sẽ được cải thiện lên 177,2 tỷ đồng vào năm 2019 và 223,5 tỷ đồng vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu công ty mẹ trong năm tới dự kiến tăng gấp đôi lên 1.048 tỷ đồng và dự kiến đạt 1.063 tỷ đồng vào năm 2020.
“Còng lưng” gánh 2,2 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày
Vinalines từng coi đó như điển hình của sự “bết bát” trong bức tranh chung của các DNNN, bởi trong quá khứ Vinalines từng có nhiều năm đứng đầu bảng thua lỗ nếu chỉ tính riêng các tổng công ty nhà nước.
Năm 2013, Vinalines đứng đầu bảng với lỗ phát sinh là 6.958,4 tỷ đồng và lỗ lũy kế 19.110 tỷ đồng. Sang năm 2014, Vinalines vẫn tiếp tục đứng đầu bảng với số lỗ phát sinh 3.478 tỷ đồng, con số này vào năm 2015 là 3.346,273 tỷ đồng.
Thua lỗ, hoạt động đầu tư - kinh doanh không hiệu quả dẫn tới nợ nần. Dù trong giai đoạn 2014 - 2017, Công ty mẹ giảm được 10.647 tỷ đồng nợ còn các doanh nghiệp thành viên của Vinalines ước giảm được 2.345,5 tỷ đồng nợ. Nhờ vậy, dư nợ toàn Tổng công ty tính đến thời điểm 31.12.2017 là 14.743,16 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn của doanh nghiệp vẫn còn khoảng 6.845 tỷ đồng. Nợ nhiều dẫn đến áp lực trả lãi lớn.
Tính riêng năm 2017, chi phí lãi vay Vinalines phải gánh lên đến 807 tỷ đồng, tương đương 6% doanh thu. Như vậy, tính bình quân mỗi ngày Vinalines phải hơn 2,2 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng. Đây cũng là lý do ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của công ty.
Chủ nợ lớn nhất của Vinalines là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)
Ở thời điểm 31.12.2017, chủ nợ lớn nhất của Vinalines là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với 1.377 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 2.545 tỷ đồng nợ trung, dài hạn. Theo sau đó là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) với 737 tỷ đồng và Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu Thủy VFC với 312 tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Ngoài ra, Vinalines vẫn còn khoản vay trung, dài hạn trên 725 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA giai đoạn II với lãi suất khoảng 2%/năm.
Danh sách dài các khoản đầu tư tài chính của Vinalines
Một vấn đề khác là việc sử dụng các công cụ tài chính của Vinalines cũng tiềm ẩn rủi ro thanh khoản ở mức khá cao. Theo Báo cáo tài chính năm 2017, tổng công nợ cần thanh toán dưới 1 năm của công ty gồm khoản vay và nợ, phải trả người bán và phải trả khác, chi phí phải trả ở mức 8.114 tỷ đồng trong khi đó giá trị tài sản tài chính tương ứng gồm tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, phải thu khách hàng và phải thu khác chỉ đạt 6.822 tỷ đồng. Như vậy, vấn đề thu xếp nguồn tiền để thanh toán khi đến hạn thực hiện các nghĩa vụ tài chính là một bài toán khó đối với Vinalines.
Những lần bán tàu, rút vốn, giải thể công ty con của Vinalines Năm 2017, tổng công ty này đã nhượng bán, thanh lý 8 tàu biển với tổng trọng tải khoảng 222,4 nghìn tấn. Trong kế hoạch bán tàu năm 2018, Vinalines dự kiến thực hiện thanh lý khoảng 5-6 tàu với tổng tải trọng 222.395 tấn bao gồm Vinalines Fortuna, Vinalines Ocean, Vinalines Sky, Vinalines Glory, Vinalines Galaxy và Vinalines Ruby. Hiện tại, Vinalines đã hoàn thành giải thể một loạt công ty con gồm: Công ty Thương mại Xăng dầu đường biển Vinalines, Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc; Công ty Hàng hải Vinalines Cần Thơ, Công ty Cổ phần Phát triển cảng Bến Đình - Sao Mai; Trung tâm Nhân lực Hàng hải Đông Nam Á… Vinalines thực hiện phá sản Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin, Công ty TNHH MTV CNTT Cà Mau, Công ty Xuất nhập khẩu Vật tư đường biển; Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam và giải thể Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - Đông Đô. Đồng thời, năm nay Vinalines cũng sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Hàng hải Vinalines Nha Trang; thoái vốn tại Cảng Cái Cui xuống 51%; thoái vốn khỏi Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển Container Vinalines xuống hơn 50%.... |