Sáng 10.1 (theo giờ Hà Nội), Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức họp báo, thông báo về quan điểm của Mỹ trước lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương đưa ra, bắt đầu có hiệu lực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh: “Việc thông qua những giới hạn như vậy đối với hoạt động đánh bắt cá của các nước khác tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hành động khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng”.
Bà Jen Psaki đồng thời khẳng định, lập trường lâu nay của Mỹ là tất cả các bên có liên quan cần tránh bất kỳ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại những triển vọng về một giải pháp ngoại giao hoặc giải pháp hòa bình khác cho những khác biệt.
Trước đó ngày 9.1, chính quyền Đài Loan cũng tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá phi lý này của Trung Quốc đại lục.
Theo Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc được chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành ngày 29.11.2013 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2014, tàu cá nước ngoài phải xin phép trước khi đánh bắt hay dò tìm trong khu vực rộng tới 2 triệu cây số vuông, chiếm 2/3 diện tích Biển Đông.
Những tàu vi phạm các quy định đánh bắt cá sẽ bị buộc phải rời khỏi khu vực, số cá đánh bắt sẽ bị tịch thu và phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 500.000 nhân dân tệ (khoảng 83.000 USD). Trong một số trường hợp, tàu đánh cá nước ngoài có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Như để phô trương uy lực dằn mặt các láng giềng, ngày 1.1.2014 vào đúng ngày các quy định kể trên có hiệu lực, chính quyền Tam Sa đã tổ chức một cuộc tập trận chung, huy động 14 chiếc tàu và 190 người thuộc các đơn vị biên phòng và các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau.
Truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời một quan chức cho biết cuộc tập trận đã xử lý một số kịch bản nhằm đối phó với tình trạng “tàu cá nước ngoài vi phạm tràn lan luật lệ của Trung Quốc”.