Dân Việt

Hỗ trợ dân vùng lũ Yên Bái ổn định đời sống, khôi phục sản xuất

Trần Quang 18/08/2018 15:00 GMT+7
Ngày 16.8, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) dẫn đầu đoàn công tác đã vượt đèo núi vào kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm, tặng quà động viên đồng bào bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 vừa qua tại các xã của huyện Văn Chấn (Yên Bái).

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng và đoàn công tác nắm tình hình khắc phục lũ quét, lũ ống xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: Trần Quang.

Trận lũ lịch sử

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 3) nên nhiều khu vực trong tỉnh Yên Bái từ đêm ngày 19.7 đến ngày 20.7 đã xảy ra ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét làm thiệt hại về người, nhiều tài sản của nhà nước, nhân dân; 9/9 huyện, thị xã, thành phố của Yên Bái bị ảnh hưởng, trong đó có huyện Văn Chấn và Trấn Yên bị thiệt hại nặng nhất.

Theo ông Khánh, riêng huyện Văn Chấn đã có 8 người chết và 16 người bị thương; trên 450 ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi, tán phá nghiêm trọng... Cùng với đó là trên 1.000ha hoa màu bị thiệt hại sau lũ... Ứơc  tính tổng thiệt hại của địa phương này lên đến 430 tỷ đồng.

"Cơn bão số 3 này đã gây ra trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất quá khủng khiếp và chưa từng có trong lịch sử hàng trăm năm qua ở Yên Bái. Chính quyền và người dân sống trên địa bàn xảy ra lũ ở Yên Bái đã thật sự bị bất ngờ nên càng làm cho hậu quả nặng nề và nghiêm trọng hơn bao giờ hết", ông Khánh nói.

img

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam trực tiếp đến thăm hỏi, trao quà cho các gia đình bị thiệt hại sau bão số 3 tại các bản của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: Trầ Quang.

Nói về công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3, ông Chu Đình Ngữ - Bí Thư huyện ủy Văn Chấn cho hay: Trước mắt, chúng tôi đang dồn toàn lực ưu tiên cho 2 nhiệm vụ chính trước mắt. Thứ nhất là tuyên truyền và hướng dẫn người dân tại các bản bị thiệt hại sau lũ và các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng cuả thiên tai đến nơi tái định cư và cho ở xen ghép với đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn. Thứ hai là giải quyết, khai thông giao thông tại các vùng, các xã bị thiệt hại sau lũ.

"Hiện, địa phương đang rất khó khăn, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để tỉnh sớm khắc phục hậu quả cuả cơn bảo giúp bà con ổn định lại sản xuất, sinh hoạt", ông Ngữ nói.

Là xã bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3, ông Lò Văn Phanh - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lương cho biết, sau thiên tai toàn xã có 22 hộ dân bị thiệt hại nặng về người và của, trong đó bản Tành Hanh bị nặng nhất có 3 người chết, nhiều ngôi nhà, hoa màu, tài sản của dân bị nước lũ cuốn trôi.

"Từ đời ông, cha của chúng tôi đến giờ chưa từng xảy ra trận lũ quét, lũ ống, lở đất lớn đến thế nên bà con cũng chủ quan và bị bất ngờ khiến mọi người trở tay không kịp làm cho hậu quả thiệt hại thật khủng khiếp chưa từng có", ông Phanh ngậm ngùi.

img

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội ND Việt Nam trực tiếp vào hiện trường thiệt hại sau cơn bão số 3 tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) để thăm hỏi, động viên bà con. Ảnh: Trần Quang.

Sau trận lũ quét lịch sử, đến nay đã gần 1 tháng trôi qua nhưng vợ chồng chị Đặng Thị Mấy (31 tuổi), anh Nguyễn Văn Tình (34 tuổi) ở xã Sùng Đô (Văn Chấn) vẫn còn chưa hết nguôi ngoai nỗi đau mất con. "Mới tối hôm trước cả nhà tổ chức sinh nhật mừng cháu lên 7 tuổi mà sáng hôm sau vợ chồng tôi đã mất con, đau xót vô cùng", chị Mấy kêu khóc.

Chị Mấy bảo: "Bao nhiêu năm nay sinh sống, làm ăn ở Sùng Đô bình yên, chưa năm nào có lũ quét vậy mà năm nay lũ từ trên núi đổ xuống bất ngờ quá khiến chúng tôi trở tay không kịp và giờ vợ chồng tôi và nhiều hộ ở đây đã "trắng tay" hếtd rồi".

Cần sớm lên kịch bản ứng phó

Có mặt tại các bản bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 3 ở Văn Chấn, đồng chí Thào Xuân Sùng cùng đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã lặn lội vượt đường đèo, núi đến tận nhà, gặp gỡ các hộ có người thân bị chết và bị thương sau thiên tai.

Chia sẻ với bà con và chính quyền các xã bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 3, đồng chí Thào Xuân Sùng cho biết, Đảng, Nhà nước và T.Ư Hội NDVN xin chia buồn, chia sẻ với các gia đình bị mất người thân sau bão, mong bà con cố gắng, đồng lòng cùng chính quyền địa phương để vượt qua mất mát, đau thương này.

"Sau trận lũ lịch sử này, tôi mong bà con đồng bào mình đồng lòng và nghe theo sự hướng dẫn và tuyền truyền của chính quyền để di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn để ổn định sản xuất và sinh hoạt", đồng chí Thào Xuân Sùng chia sẻ.

img

Chủ tịch Thào Xuân Sùng ân cần thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ của T.Ư Hội NDVN cho đồng bào bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét ở một số thôn, bản ở huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: Trần Quang.

Nhận được quà và lời động viên của đoàn, chị Đặng Thị Mấy, hộ bị thiệt hại nặng, mất người thân sau cơn bão số 3 ở xã Sùng Đô xúc động bảo: "Chúng tôi thực sự bất ngờ khi được gặp lãnh đạo cơ quan T.Ư, mọi người đã không ngại đường xá xa xôi, hiểm trở vào tận bản để trao quà cho bà con, với người dân chúng tôi, món quà này không chỉ có ý nghĩa vật chất mà nó còn mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Chúng tôi rất cảm ơn và xin hứa sẽ cố gắng nỗ lực để vượt qua khó khăn".

Nói chuyện, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Yên Bái về công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng: "Qua thực tế hiện trường và nghe báo cáo về thiệt hại, tôi thấy rằng đây là một trận lũ lịch sử và hậu quả của nó gây ra quá nghiêm trọng cho tỉnh ta về cả người và của. Trước mắt, tôi đề nghị lãnh đạo địa phương cần tuyên truyền và di dời dân tại các bản bị thiệt hại và các bản có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét ra vùng an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền Yên Bái cũng phải chủ động cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ bà con ở nơi tạm trú trước khi di dời dân đến khu định canh, định cư lâu dài".

Thông tin thêm với lãnh đạo Yên Bái về công tác phòng, chống biến đổi khí hậu, đồng chí Thào Xuân Sùng cho hay: "Hiện nay, Việt Nam đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó các tỉnh vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc là một trong nhưng vùng bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại của BĐKH nặng, minh chứng mới rõ nhất là cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra lũ quét, lũ ống lịch sử khiến các xã, huyện ở Yên Bái bị thiệt hại nặng nề về người và của.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, sắp tới nước ta sẽ còn phải hứng chịu nhiều thiên tai lớn và khủng khiếp hơn nên Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc phải chủ động và đặc biệt là phải lên kịch bản để ứng phó với thiên tai, phòng, tránh thiệt hại ở mức thấp nhất có thể".

Bên cạnh đó, đồng chí Thào Xuân Sùng cũng đề nghị tỉnh Yên Bái phải có tầm nhìn xa về tương lai 2020 đến 2030, nhằm đảm bảo cho sản xuất, người dân sinh sống an toàn và phục vụ nhiệm vụ phát triển bền vững. Bên cạnh việc phát triển và bảo vệ rừng, tỉnh Yên Bái cần phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ TNMT, Bộ KHĐT và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, sắp xếp lại dân cư và xây dựng các vùng định canh, định cư an toàn để đưa các hộ sống ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống yên tâm phát triển sản xuất, làm giàu".

Ngày 16.8, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN đã dẫn đầu đoàn công tác đến các bản Sơn Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, An Lương, Suối Quyền bị thiệt hại nặng của huyện Văn Chấn để thăm hỏi và trao quà cho 24 gia đình có người chết và bị thương sau cơn bão số 3 (tặng quà và tiền mặt trị giá 2 triệu đồng cho gia đình có người chết và 1 triệu đồng cho gia đình có người bị thương).