Sông Dương Tử hay còn được biết đến với tên gọi Trường Giang là con sông dài nhất Trung Quốc và dài thứ ba trên thế giới. Sông xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, chảy về phía đông và đổ ra biển Hoa Đông.
Ảnh: Sina.cn.
Vùng lưu vực sông Dương Tử là một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới. Vào những thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, cư dân trong vùng phần lớn có mức sống dưới trung bình và phụ thuộc vào dòng sông. Họ coi nó là nguồn cung cấp nước chính cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân, tưới tiêu, trồng trọt và chăn nuôi.
Trong khoảng từ năm 1928 - 1931, cũng như các vùng khác thuộc Trung Quốc, khu vực đồng bằng châu thổ sông Dương Tử đã trải qua những kiểu hình thời tiết dị thường. Sau vài năm hạn hán nghiêm trọng, từ mùa đông 1930, nhiều vùng phải hứng chịu những trận mưa tuyết lớn.
Vào mùa xuân 1931, thời tiết biến đổi một lần nữa với sự xuất hiện của các trận bão và mưa lớn kỉ lục. Tháng 4.1931, lưu vực sông Dương Tử nhận được lượng mưa vượt xa mức trung bình, có nơi lượng mưa lên tới 60cm. Những đợt mưa xối xả trở lại vào tháng 7 và không ngừng trong trong nửa đầu tháng 8 đã khiến nước sông Dương Tử tiếp tục dâng lên và đạt tới đỉnh điểm vào ngày 18.8.1931.
Ảnh: History.com.
Do khâu kiểm soát yếu kém, nước sông tràn bờ, làm vỡ các đê bao chắn và gây ngập trắng cả một vùng diện tích rộng lớn. Đồng ruộng, đường sá, các làng mạc và thị trấn thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Dương Tử bị nhấn chìm trong biển nước.
Ảnh:sina.cn.
Vô số ngôi nhà bị nước lũ cuốn trôi hoặc làm hư hại. Nhiều người bị thương, mất tích hoặc chết đuối khi lũ quét hoành hành.
Khi lũ quét tràn đến thành phố Vũ Hán, ước tính có tới 400.000 người bị mất nhà cửa. Hàng triệu người lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất hoặc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Cùng lúc này, nước ở hai con sông lớn khác của Trung Quốc là sông Hoàng Hà và sông Hoài cũng dâng cao tràn bờ và làm ngập lụt các khu vực xung quanh.
Cả 3 con sông "tác oai, tác quái" cùng lúc, khiến Trung Quốc phải đối mặt với thảm họa lũ lụt khủng khiếp chưa từng thấy. Mùa màng mất trắng, đất đá sạt lở, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn và chậm chạp khiến hậu quả thiên tai ở miền đông Trung Quốc càng thêm trầm trọng.
Ảnh: Sina.cn.
Ngay cả khi nước lũ rút đi, người dân vùng thiên tai cũng lâm vào tình cảnh đói khát. Một số nạn nhân bị chết đói do không còn đồ ăn dự trữ trong khi lượng thực phẩm tiếp tế quá ít ỏi. Ngoài ra, các nguồn nước bị ô nhiễm trong thiên tai khiến bệnh thương hàn và bệnh tả bùng phát ngoài tầm kiểm soát, cướp đi sinh mạng của thêm nhiều người dân trong khu vực ảnh hưởng.
Các nguồn tin chính thức của Trung Quốc công bố, tổng cộng có 145.000 người thiệt mạng vì lũ lụt do 3 con sông, đặc biệt là sông Dương Tử gây ra. Song, nhiều nguồn tin độc lập thống kê, số trường hợp thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa cao hơn nhiều, lên tới con số 3,7 triệu người chết. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hàng chục triệu USD. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất thế kỷ 20.