Thời gian gần đây, bờ sông tại khu vực cầu Đạ Quay trên tỉnh lộ 721, nối huyện Đạ Huoai với huyện Đạ Tẻh bị sạt lở nghiêm trọng, người dân hoang mang vì đất canh tác bị cuốn trôi chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ghi nhận tại hiện trường, đoạn sạt lở có chiều dài hơn 400m, rộng hơn 20m, sâu hơn 4m ăn vào vườn của hàng chục hộ dân ở thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai. Diện tích sạt lở đã lên tới 2.000m2, cuốn trôi nhiều sầu riêng, cà phê, măng cụt, dâu tằm... của người dân.
Nhiều cây công nghiệp của người dân và trụ điện đã bị "hà bá" nuốt chửng.
Là một trong những người bị thiệt hại nặng, ông Võ Tấn Thành (49 tuổi, ngụ thôn 1, xã Đạ Oai) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 6.000m2 đất trồng sầu riêng và cà phê, năm ngoái đã bị sạt lở khoảng hơn 10m, năm nay tiếp tục bị mất đất do nước lũ dâng cao xoáy sâu vào vườn, cuốn trôi 20 cây sầu riêng, 5 hàng cà phê, dâu tằm. Ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng rồi”.
Không chỉ tài sản của ông Thành bị “hà bá” nuốt chửng, trên đất của ông Thành có một trụ điện 220KV vượt sông thuộc tuyến đường dây 471 Bảo Lộc - Đạ The cũng bị cuốn trôi.
Vị trí sạt lở nghiêm trọng ngay sát cầu Đạ Quay.
Ngoài gia đình ông Thành, nhiều hộ khác tại xã Phước Lộc và xã Đạ Oai cũng đang khổ sở vì ở cạnh sông. Trong đó ông Nguyễn Linh Sơn - thôn Phước Bình có tới 1,25ha đất trồng sầu riêng (190 cây từ 5 - 8 năm tuổi) đang cho thu hoạch bị ngập úng.
“Năm ngoái bắt đầu sạt lở một số điểm, nhiều người lo lắng đã báo với chính quyền địa phương. Sau khi lãnh đạo xã xuống hiện trường có hứa cho phương tiện khai thông dòng chảy, xây bờ kè kiên cố... nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, bây giờ sạt lở nghiêm trọng hơn”, ông Nguyễn Văn Đề (ngụ xã Đạ Oai) nói. Ông Đề cho biết thêm, nếu tình hình nước sông dâng cao liên tục nhiều ngày nữa sẽ uy hiếp trực tiếp đến cầu Đạ Quay.
Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng đã cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng sau khi lực lượng chức năng về thì biển báo cũng bị nước cuốn trôi. Trao đổi với PV, ông Võ Văn Đào – Chủ tịch UBND xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai), cho biết: “Xã đã kiểm tra và báo cáo UBND huyện tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời phối hợp với Điện lực Đạ Huoai và huyện Đạ Tẻh di dời trụ điện, đấu nối khắc phục nhằm đảm bảo sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, đề xuất phương án khi nước sông rút xuống sẽ khai thông dòng chảy tránh sạt lở ảnh hưởng đến người dân”.
Nguyên nhân sạt lở là do mưa lớn khiến nước dâng cao, đất pha cát kết cấu yếu dễ bị xói trôi.
UBND huyện Đạ Huoai cũng đã chỉ đạo một số giải pháp xử lý và khắc phục hậu quả bước đầu. “Giao Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện cùng các cơ quan chuyên môn, UBND các xã theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ việc và lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sạt lở.
Bên cạnh đó, khoanh vùng và thiết lập rào chắn, ngăn không cho người, các phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, thông báo để người dân cảnh giác không hoạt động sản xuất quanh các khu vực này”, ông Trịnh Xuân Thủy – Phó chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai thông tin.
Ông Thủy cho biết thêm, nguyên nhân sạt lở đất chủ yếu do mưa lớn liên tục khiến nước dâng cao, việc xả tràn hồ chứa thủy điện gây dòng chảy mạnh. Mặt khác, đất tại khu vực này chủ yếu là thành phần đất pha cát mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi.