Nhan nhản vi phạm
Nói về tình trạng vi phạm bản quyền giống lúa ở khu vực ĐBSCL, TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL thừa nhận một thực tế, việc vi phạm vô cùng nhiều, nếu không muốn nói là “đụng đâu cũng thấy vi phạm”. “Có thể thấy, ý thức của nhiều nông dân về vấn đề bảo hộ giống cây trồng còn khá mơ hồ, trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống biết rõ quy định này nhưng lại cố tình vi phạm” - ông Thạch nói.
Việc đăng ký bản hộ bản quyền giống cây trồng còn nhiều khoảng trống. Ảnh: T.L
Cũng theo ông Thạch, thời gian qua, Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt, lực lượng công an cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc thanh tra vấn đề vi phạm bản quyền giống cây trồng nhưng có thể do lợi nhuận quá lớn nên nhiều cơ sở chấp nhận nộp phạt rồi... vi phạm tiếp.
Trên thực tế, nhiều giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL vẫn đang được nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân… vô tư sử dụng mà không cần phải xin phép. Còn nhớ năm 2016, lần đầu tiên vấn đề bảo hộ giống lúa ở ĐBSCL mới được nhìn nhận lại một cách đúng nghĩa khi Tập đoàn Lộc Trời khẳng định bản quyền của mình với 4 giống lúa thuần, trong đó có OM5451 - một giống lúa đã rất phổ biến ở ĐBSCL trước đó. Khi Lộc Trời khẳng định chủ quyền của mình đối với các giống có tên OM đã mua của Viện Lúa ĐBSCL, không ít người bày tỏ “khó có thể chấp nhận”, vì những giống lúa có tên OM được coi như giống “quốc dân” trong khu vực khi chiếm tới 70% cơ cấu giống lúa toàn vùng.
Thực tế, cho đến thời điểm này, cơ chế hợp tác sản xuất lúa giống giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thấy đề cập đến vấn đề bảo hộ bản quyền. Theo đó, doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng với nông sản sản xuất lúa giống, cuối vụ thu hoạch, nếu kiểm nghiệm đạt chất lượng, nông dân sẽ được chi trả thêm 10% trên cơ sở giá lúa thịt. Tất cả chỉ có vậy, còn việc chi trả tiền bản quyền hầu như không bao giờ được đề cập.
Nguy cơ đánh mất
Vụ việc giống nhãn tím do một nông dân Sóc Trăng lai tạo đang bị người Thái Lan “nhòm ngó” (Báo NTNN đã đề cập) cho thấy đã đến lúc vấn đề bảo hộ bản quyền giống cây trồng phải được nhìn nhận lại và cần có giải pháp căn cơ hơn để bảo vệ nguồn gen quý.
Được biết, ông Trần Văn Huy ở xã Phong Nẫm (Kế Sách, Sóc Trăng) là người nhân giống thành công giống nhãn tím từ một sự tình cờ cách đây 17 năm khi ông phát hiện một nhánh nhãn màu tím trong vườn. Ông cắt nhánh nhãn này đem trồng, kết quả cây sinh trưởng tốt, cho trái nhãn màu tím rất đẹp mắt.
Năm 2012, khi lần đầu tiên đưa nhãn tím đi “trình làng” tại hội chợ, sản phẩm của ông Huy nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đó, ngành chức năng, địa phương không có nghiên cứu gì hơn, ông Huy cũng không đăng ký bản quyền và đã kịp tung ra thị trường số lượng lớn giống nhãn tím. Giải thích lý do chậm đăng ký bản quyền bảo hộ giống mới, ông Huy bảo: Do thiếu tiền.
Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo hộ giống cây trồng, đồng thời tăng cường chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm để đảm bảo tính răn đe, từ đó thúc đẩy phát triển thị trường bản quyền giống cây trồng phát triển lành mạnh”. TS Trần Ngọc Thạch |
Đã 17 năm giống nhãn tím có mặt trên đất Sóc Trăng nhưng cho đến nay, theo thông tin của thạc sĩ Lê Thanh Tùng - Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đại diện Cục đã làm việc với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng về vấn đề chứng nhận, bảo hộ giống nhãn tím quý hiếm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồ sơ.
Cũng theo ông Tùng, để bảo tồn các loại giống quý hiếm, Bộ NNPTNT đã có văn bản yêu cầu các loại giống đặc sản trong diện bảo tồn, có nguy cơ biến mất hoặc bộ gen quý cấm tuyệt đối không được xuất khẩu.
Đối với các loại giống mới, Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương liên hệ với các tác giả để sớm được công nhận giống để bảo tồn, lưu giữ và phát triển; khuyến khích các địa phương thúc đẩy công tác bảo hộ, chứng nhận giống.
Sau hơn 10 năm là thành viên của UPOV, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, Việt Nam đã có những tiến đáng ghi nhận. Nếu như thời gian đầu, số lượng các giống cây trồng được bảo hộ không nhiều thì sau đó con số này đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê, năm 2015, Việt Nam có 314 giống cây trồng các loại được cấp bằng bảo hộ và khoảng 1.000 đơn đề nghị bảo hộ quyền đối với giống cây trồng được chấp nhận hàng năm. Đến hết năm 2016 đã có 893 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng với 380 bằng được cấp.
Có thể thấy, dù số lượng đăng ký được bảo hộ đã tăng đáng kể nhưng so với số lượng cây giống khá lớn, với chủng loại vô cùng phong phú, phân bố ở khắp các địa phương như hiện nay, con số chỉ vài trăm giống cây được bảo hộ chỉ như… muối bỏ biển.
Trong khi đó, TS Trần Ngọc Thạch lo ngại, rất nhiều giống lúa quý của Việt Nam đã được xuất ra nước ngoài theo các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và không biết việc bảo hộ, đăng ký bản quyền những giống lúa này đã được đề cập đến chưa (?!)
Cũng theo ông Thạch, trên thực tế, đã có nhiều giống lúa Việt Nam đã bị mất bản quyền do không sớm thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ.
PGS - TS Phan Hữu Tôn – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam): Nông dân đang “tự bơi” Điều đáng buồn là ít người hiểu rõ được tầm quan trọng của việc bảo hộ các nguồn gen, giống quý. Chúng ta hiện sở hữu rất nhiều nguồn giống có những đặc tính nổi trội nhưng lại không được chú trọng bảo vệ qua công tác bảo hộ. Người nông dân có thể phát minh, lai tạo hoặc là người đầu tiên tìm ra giống cây quý, nhưng muốn bảo tồn thì phải cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học. Ai cũng hiểu như vậy nhưng trên thực tế nông dân vẫn đang tự “bơi”, còn nguồn gen, giống quý lại luôn đứng trước nguy cơ có thể bị thất thoát hoặc mất bản quyền bất cứ lúc nào. TS Nguyễn Trọng Khanh – Viện trưởng Viện cây Lương thực và cây Thực phẩm: Phải xem là tài sản quốc gia Việc người Thái tìm mua giống nhãn tím của Việt Nam mới đây đã đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết cần làm ngay trong việc tìm tòi và bảo tồn các nguồn giống cây quý. Theo đó, chúng ta phải coi các loại giống cây này như một tài sản của quốc gia, cần phải được bảo tồn đặc biệt. Và nhất là nhanh chóng thông qua Luật Bảo hộ giống cây trồng thế giới (UPOV), thông báo với thế giới về việc Việt Nam đang sở hữu giống cây nào, được bảo hộ ra sao… Các quốc gia khác rất coi trọng việc giữ gìn các nguồn giống cây quý, ví dụ hải quan Australia sẽ giữ lại toàn bộ các loại cây trái, thực vật tại cửa khẩu nếu không có sự cho phép của Bộ Nông nghiệp nước này. Chính vì vậy, Australia nổi tiếng với nhiều loại cam ngon ngọt nhưng không quốc gia nào có thể nhân giống hoặc trồng ở nơi khác nếu không mua bản quyền. Danh Hùng (ghi) |