Dân Việt

Ai được quyền xuất khẩu gạo theo Nghị định mới có hiệu lực từ 1/10?

Thiên Hương 21/08/2018 14:04 GMT+7
Chính phủ vừa ban hành các điều kiện đối với kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng mở hơn so với quy định tại Nghị định 109.

Nghị định mới thông thoáng hơn 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Nghị định 109/2010, Nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2018.

img

Theo quy định tại Nghị định 107/2018, thương nhân, doanh nghiệp được thuê lại kho chứa trong thời gian tối thiểu 5 năm để phục vụ hoạt động xuất khẩu gạo. Ảnh minh hoạ: I.T

Theo đó, điều kiện kinh doanh đối với hoạt động xuất khẩu gạo bao gồm: Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Thương nhân phải có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Điểm quan trọng nhất về quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, Chính phủ đã nới lỏng: Để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân có thể sở hữu kho và cơ sở xay xát hoặc có thể thuê lại của tổ chức, cá nhân khác. Các hợp đồng thuê các cơ sở này có thời hạn tối thiểu 5 năm.

Như vậy, Nghị định 107/2018 mà Chính phủ vừa ban hành dựa trên Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công Thương soạn thảo đã mở hơn so với quy định cũ tại Nghị định 109/2010.

Cụ thể, Điều 4 của Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa công suất ít nhất 5.000 tấn và có cơ sở xay xát thóc gạo công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Tuy nhiên qua thực tế cho thấy, các điều kiện về quy mô này cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nhỏ, trong khi không rõ mục tiêu quản lý là gì.

Ngoài ra, Nghị định 107 cũng quy định, thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (Giấy chứng nhận) không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.

Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản.

Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công tác hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận và việc duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân.

Doanh nghiệp nhỏ cũng có "phần"

Trước đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Nghị định 109 ra đời trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu lúa gạo rất hỗn loạn, các doanh nghiệp tranh mua tranh bán, dìm giá, thậm chí đến nay hiện tượng này vẫn còn diễn ra. Đơn cử như chỉ riêng tại TP.Cần Thơ đã có hàng trăm doanh nghiệp, thương nhân tham gia xuất khẩu gạo, cả trực tiếp và gián tiếp. Để có đơn hàng xuất khẩu, đã xảy ra chuyện các doanh nghiệp nói xấu nhau, hoặc đua nhau giảm giá để cạnh tranh...

Thời điểm đó, Nghị định 109 được ban hành góp phần đưa xuất khẩu gạo vào trật tự, khuôn khổ. Đó là hiệu quả tích cực không thể phủ nhận.

img

Theo Nghị định 107/2018, các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông. Ảnh minh hoạ: I.T

Thực tế cho thấy, từ năm 2011 đến nay, kể từ khi có các thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu lúa, doanh nghiệp liên kết với nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, Việt Nam đã bắt đầu cung cấp cho thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao, đồng nhất chỉ 1 loại giống. Và cũng từ đó, các nhà nhập khẩu gạo đồng ý trả thêm cho Việt Nam từ 50 – 80USD/tấn gạo đồng nhất này. 

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng thị trường gạo hiện nay không phải chỉ tập trung vào một số thị trường như Indonesia, Malaysia hay Philippines…, mà mở ra nhiều thị trường mới. Đồng thời, không phải chỉ một số doanh nghiệp lớn mới có thể xuất khẩu gạo, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng làm được, và có thể xuất sang nhiều thị trường ngách khác.

Trên thực tế, một số quy định của Nghị định 109/2010 đã khiến nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh. Đơn cử như Công ty Hồ Quang (Sóc Trăng) sản xuất gạo ST 24 có chất lượng thơm ngon, thuộc top 3 thế giới, đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ, EU…, nhưng chưa thể xuất khẩu trực tiếp vì vướng Nghị định 109.

Do đó, đầu năm 2017, Bộ Công Thương bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và đây được xem là hành động tích cực giúp "cởi trói" cho doanh nghiệp. Sau đó, Bộ Công Thương tiếp tục trình Chính phủ Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 109.

Đặc biệt, theo quy định tại Nghị định mới, các thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng sẽ không cần phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên. Họ được phép xuất khẩu các loại gạo này mà không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế hướng dẫn.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo tháng 7 ước đạt 382.000 tấn với trị giá 195 triệu USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu gạo trong các tháng tiếp theo được dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn, do nhu cầu nhập khẩu về cuối năm của một số thị trường chính như Philippines và các nước Trung Đông sẽ tăng, nhưng Bộ NN&PTNT cho biết ngành gạo cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu do thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.