Dưa rẫy được đồng bào Mông ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong) trồng xen với lúa, ngô trên nương rẫy. Ảnh: Bá Chài
Thời điểm này, bà con ở các bản người Mông ở xã Tri Lễ đang vào mùa thu hoạch dưa rẫy. Gia đình anh Thò Bá Hờ ở bản Pà Khốm là một trong những hộ trồng dưa rẫy nhiều nhất trong bản. Trên diện tích 1ha, đến thời điểm này, gia đình anh Hờ đã thu hoạch được gần 5 tấn dưa. Với giá thu mua tận bản là 7 nghìn đồng/kg, gia đình đã thu về trên 30 triệu đồng.
Theo anh Hờ, giống dưa bản địa này bà con người Mông tự bảo quản giống. Dưa rẫy rất dễ trồng, được người Mông gieo hạt, trồng xen canh với lúa từ tháng 3, tháng 4 hàng năm. 3 tháng sau, dưa bắt đầu thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 3 tháng.
Anh Thò Bá Hờ cho biết: “Dưa rẫy dễ trồng và dễ bán. Đến mùa dưa, thương lái ở các huyện lên tận bản để thu mua. Nhờ trồng dưa mà gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập khá, có điều kiện nuôi con cái ăn học”.
Giống dưa rẫy quả to, đặc ruột, ăn giòn, được trồng hoàn toàn tự nhiên, bán chạy nên được thương lái thu mua tận rẫy. Ảnh: Ngọc Tăng
Quả dưa rẫy quả to, đặc ruột, cùi dày, ăn ngon, giòn, có vị ngọt mát. Dưa rẫy được nhiều người ưa chuộng là bởi giống cây này được người Mông trồng tự nhiên, xen canh với lúa rẫy, không bón phân, không phun thuốc, không tưới nước…
Dưa được bán với giá trung bình 15 nghìn đồng/kg, thời điểm đầu vụ, dưa được bán với giá 20 nghìn đồng/kg.
Hiện nay, cả bản Pà Khốm có hơn 15 hộ trồng dưa rẫy với hơn 5ha; mang lại nguồn thu nhập khá.
Dưa rẫy giá bán trên thị trường giá trung bình 15.000 đồng/kg, thời điểm đầu vụ lên đến 20.000 đồng/kg. Ảnh: Bá Chài
Ông Lữ văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Hiện nay, toàn xã có 7ha trồng cây dưa rẫy xen trồng lúa, ngô, năng suất trung bình đạt 5 tấn/ ha. Hiện thu nhập trung bình mỗi hộ mỗi năm từ 25 - 30 triệu đồng. Xã đang chủ trương hỗ trợ, khuyến khích người dân bảo tồn, trồng, phát huy giống dưa bản địa này".