Rau sam không chỉ được chế biến nhiều món ăn ngon như xào, làm gỏi, nấu canh… mà nó còn có tác dụng làm mát, giải nhiệt, táo bón, chống lão hóa và hỗ trợ chữa các bệnh tim mạch, tiểu đường, gout…
Rau sam có vị đặc trưng, thanh và hơi chua. Dù được gọi là rau, nhưng ở Việt Nam, người ta thường chỉ coi cây sam như là cây dại và chỉ dùng như một loại rau ăn lá rất hạn chế, thậm chí ở nhiều nơi còn dùng làm thức ăn cho bò. Có lẽ sẽ ít ai biết rằng, ở nhiều nước trên thế giới, người ta đang "săn lùng" loại rau nhỏ bé này bởi những công dụng kỳ diệu đến không ngờ.
Người Trung Hoa xưa gọi rau sam là "rau trường thọ". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Úc, trong rau sam có chứa nhiều axít béo omega-3 hơn các loại rau ăn lá khác. Nó là một trong số rất ít các loài cây có chứa EPA omega-3 chuỗi dài, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể. Đây cũng là loại rau chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin A, C và một số vitamin B cùng các carotenoit), cũng như các chất khoáng dinh dưỡng như magiê, canxi, kali và sắt.
Để trồng rau sam, cần thực hiện 4 bước cực dễ dưới đây:
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng
Để trồng rau sam, tốt nhất nên chọn những vùng đất ẩm, không cần nhiều ánh nắng trực tiếp rọi vào, thậm chí có thể trồng dưới tán cây to bởi cây ưa ẩm thấp. Nếu trồng trên sân thượng, nên chọn vị trí đặt chậu ở nơi có nhiều bóng râm.
Cây rau sam có sức sống mãnh liệt nên thích ứng với nhiều loại đất trồng, nhưng tốt nhất là đất giữ ẩm tốt và nhiều dinh dưỡng. Khi làm đất, cần bón lót thêm phân hữu cơ, phân trùn quế để có thêm dinh dưỡng.
Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
2. Chọn giống và trồng rau
Trên thị trường hiện nay có 3 loại giống rau sam cơ bản là rau sam xanh, rau sam vàng và rau sam vàng lá to.
Rau sam thường được nhân giống bằng hạt hoặc hom. Hạt giống rau sam bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản hoặc siêu thị gần nhà.
Nếu bạn trồng bằng hạt thì khi mua hạt giống về cần ngâm trong nước ấm khoảng 6 - 8 giờ rồi vớt ra để ráo. Sau đó dùng que nhọn chọc lỗ sâu 1cm rồi cho hạt vào (2 - 3 hạt/ lỗ), lấp kín đất, dùng lưới che nắng cho luống gieo khoảng 1 tuần. Tiến hành tưới nước bằng vòi phun nhẹ.
Còn nếu trồng bằng hom: Hom được lấy từ thân hoặc củ cây mẹ, lấy từ đoạn gốc đến hết phần bánh tẻ của thân, hạn chế lấy phần ngọn quá non vì dễ bị thối gốc khi giâm. Dùng dao hay kéo sắc để cắt hom. Hom được cắt từ thân có chiều dài 10 - 20cm và ít nhất trên mỗi hom có từ 3 - 4 mắt lá, tỉa bớt lá trên hom chừa khoảng 1/3 lá, đem giâm vào luống. Thường xuyên tưới ẩm. Sau khi giâm 10 - 15 ngày hom bắt đầu có rễ thì đem trồng với khoảng cách 15 - 20cm/cây.
3. Chăm sóc cây
Để chăm sóc tốt cho loài rau dại này, bạn cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho đất, đặc biệt vào mùa nắng hạn. Kết hợp nhổ cỏ dại và vun xới cho rau sam.
Sau khi trồng rau được khoảng 15 ngày thì bạn tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… cho rau sam.
4. Tiến hành thu hoạch
Cây rau sam khi phát triển đạt chiều dài từ 20 - 30cm thì có thể cho thu hoạch. Dùng dao sắc cắt phần thân chồi lá non. Sau mỗi đợt thu hoạch thì tiến hành bón thúc cho cây phát triển.
Cây rau sam có sức sống mãnh liệt nên không cần tốn nhiều công chăm sóc. Bạn chỉ cần tưới nước, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây và bón thêm ít phân trùn quế hoặc phân hữu cơ thời kì rau phát triền mạnh để nhanh cho thu hoạch.