Cô gái vàng của làng wushu Dương Thúy Vi đã mang huy chương đồng về cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018.
Ngày 21/8, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã chính thức có được bản quyền phát sóng ASIAD 2018, thông qua đại diện là Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thuộc VOV. Theo đó, tất cả các nội dung thi đấu tại Á vận hội lần này sẽ được VOV và VTC phát trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh, báo điện tử và các nền tảng ứng dụng.
Việc VOV/VTC mua bản quyền ASIAD 2018 ở “phút bù giờ” đã làm nứt lòng người hâm mộ cả nước. Hiện, những câu chuyện, những chia sẻ của các lãnh đạo nhà đài VOV và VTC vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, đặc biệt là những chia sẻ xoay quanh quyết định mua bản quyền, làm cách nào để không để lặp lại chuyện mua bản quyền ở phút bù giờ như thế này nữa,…
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc VOV.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc VOV trên VOV.vn, những ngày qua, có thể thấy vì một số trục trặc nào đó nên các đơn vị khác chưa mua được bản quyền ASIAD 2018, mặc dù giải đấu đã diễn ra. Do đó, khi vừa đặt chân tới Đà Nẵng trong một chuyến công tác hôm 20/8, ông nghĩ ngay trong đầu là phải phải mua bản quyền ASIAD. “Khi nói như thế không phải là một sự ngẫu hứng mà đó là điều tôi đã nung nấu bấy lâu”, ông nói.
“Muốn mua được bản quyền, trước hết chúng ta phải đàm phán, tạo được mối quan hệ. Thứ hai là về năng lực của một cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình phải đảm bảo đủ lực lượng để tường thuật, đưa tin giải đấu thật tốt. Còn một điểm nữa là vấn đề kinh tế. Tôi nghĩ rằng: Chúng ta mua bản quyền ASIAD vì công chúng, vì những người hâm mộ thể thao thì chắc sẽ nhận được sự chia sẻ từ các lực lượng xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp”, ông Kỷ chia sẻ.
Tổng Giám đốc VOV cho biết thêm, khi trao đổi với một số doanh nghiệp về vấn đề này, ông đã thấy được tín hiệu tốt. Và không chần chừ gì nữa, đến trưa 21/8, VOV đã chốt được bản quyền ASIAD 2018.
“Chúng tôi làm điều này trước hết là vì người hâm mộ, chứ không phải vì thương hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Các doanh nghiệp hỗ trợ cũng không phải vì đánh bóng danh hiệu. Hai doanh nghiệp lớn đồng hành thậm chí còn không muốn nhắc tên”, ông nói.
Ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi cũng sẵn sàng đi vay để phục vụ công chúng, dù có lỗ mình cũng chấp nhận. Một đất nước hơn 90 triệu dân mà phải đi xem một kênh trên mạng xã hội, không chính thống là điều đáng tiếc. “Khi đói thì củ khoai cũng quý”, nhưng chúng ta cần phải chính danh nữa”.
Việt Nam có bản quyền ASIAD 2018, người hâm mộ sẽ không còn phải xem qua các kênh trực tuyến với chất lượng kém.
Theo ông, đây có thể xem là một kinh nghiệm cho các đơn vị báo chí. Từ nay trở đi, có những sự kiện thể thao văn hóa thu hút sự quan tâm của người dân, chúng ta phải chủ động. Nếu cần phải mua bản quyền, chúng ta cần đi tìm nguồn tài chính. Nếu phải tác nghiệp trong những điều kiện kỹ thuật công nghệ cao, chúng ta phải mua sắm máy móc thiết bị. Bên cạnh đó là liên kết với các đơn vị khác. Nếu tranh thủ được các nguồn lực trong xã hội thì sẽ không có đơn vị nào là nhỏ cả.
Do đó, theo ông Kỷ, sau này, chúng ta cần phải có cách làm chủ động, tích cực hơn. Từ đó mang lại hiệu quả chung để phục vụ công chúng. “Sau chuyện này chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, ra quân sớm hơn. Không đơn vị này thì đơn vị khác phải phân công nhau làm. Không nên để công chúng “xao xác””, ông Kỷ nói.
Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chia sẻ, một số nhóm phóng viên của đài này đã và sẽ sang Indonesia tác nghiệp. Đặc biệt là ở những địa điểm có khả năng giành thành tích cao của đoàn thể thao Việt Nam, đội ngũ phóng viên được giao nhiệm vụ phải tiếp cận và đưa tin sâu sát để gửi tới khán giả những nội dung hay.
Hôm qua (21/8), được sự ủy quyền của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (đơn...