Dân Việt

Cô độc giữa gia đình, mẹ già phải bỏ nhà đi ở với… người dưng

Thành Trí 24/08/2018 00:25 GMT+7
Người phụ nữ cả đời vất vả nuôi con, chăm chồng, vun vén cho gia đình nhưng đến khi già cả thì bị con trai duy nhất nghiện ngập, rồi chồng hà khắc, mê lô đề bỏ mặc. Họ phải rời khỏi tổ ấm của mình, dồn những đồng lương hưu ít ỏi để đi tìm sự thanh thản trong tâm hồn.

Con nghiện bỏ mặc mẹ già

Chúng tôi tìm đến Viện dưỡng lão Diên Hồng (KĐT Đô Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) vào một buổi chiều mưa nặng hạt tháng Bảy Vu Lan. Trong số gần 100 cụ đang sinh sống tại đây, chúng tôi chú ý tới bà Phạm Thị H. (71 tuổi) ngồi lặng lẽ trên giường nhìn hướng về khung cửa sổ tí tách mưa rơi.

Bà H. chuyển vào viện dưỡng lão đã được hơn 1 tuần, sống trong căn phòng có 7 người ở tầng 3. Bà khá cởi mở, thân thiện với mọi người nhưng nếu không tinh ý sẽ khó nhận ra trong đôi mắt bà thoáng lên nét buồn khó tỏ cùng ai. Kể về câu chuyện cuộc đời trong nước mắt, bà H. nói rằng những ngày dưỡng già ở ngôi nhà chung này giúp bà vơi đi phần nào nỗi buồn đã theo bà vào trong giấc ngủ hằng đêm nhiều năm qua.

img

Bà H. chuyển vào sống trong viện dưỡng lão để vơi bớt nỗi buồn ở nhà

Trong số 3 người con của bà, người con trai duy nhất ở giữa 45 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định và dính vào ma túy từ nhiều năm trước. “Bác buồn lắm con à. Con trai nghiện ngập lâu rồi, có bao giờ hỏi han mẹ khỏe hay ốm gì đâu”, bà H. trải lòng.

Làm công nhân của một nhà máy cao su đồng lương ba cọc ba đồng, bà H. tần tảo, xoay sở lo toan nuôi đàn con dại, nhất là khi chồng mất vào năm 1990 khiến gánh nặng đè trĩu đôi vai. Bà H. tâm sự: “Một mình tôi thay chồng gánh vác mọi việc, dựng vợ gả chồng cho các con, xây nhà cho con trai. Ngỡ tưởng tôi về già sẽ được sống trong tình yêu thương của con cháu nhưng để rồi phải vào đây mà không một chút đắn đo gì”.

Những ngày sống cùng vợ chồng người con trai ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, bà H. cho biết, dù ở chung và tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn nấu ăn riêng, hiếm khi trò chuyện cùng con cháu. Cô đơn trong chính căn nhà của mình, bà H. chỉ còn biết bầu bạn tâm sự với những người cao tuổi trong tổ dân phố. Dường như, quyết định chuyển đến viện dưỡng lão của bà như để tránh nhìn thấy cảnh dửng dưng, lạnh lùng của gia đình người con trai kia và quên đi nỗi buồn vì gia đình không được hạnh phúc, yên ấm như nhà người ta.

img

Vết sẹo ở chân trái do bị bỏng cộng với bệnh khớp gối khiến bà đau nhức chân

“Thấy mẹ buồn, người con gái đầu bận công việc nên động viên tôi vào viện dưỡng lão. Hàng tháng, tôi bỏ hết số tiền lương hưu 3 triệu đồng và con gái hỗ trợ thêm 3 triệu đồng nữa để có đủ tiền đóng. Từ ngày vào đây, tôi không hề nhận được sự quan tâm của gia đình đứa con trai dù chỉ là một lời hỏi thăm, động viên”, bà H. nói và cho biết không trách con cái, đành chấp nhận số phận hẩm hiu.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt bà H. ầng ậc nước như chực trào ra, người run rẩy. Bà H. cho biết bị mắc một số bệnh như huyết áp cao, viêm khớp gối…, phải tự mình khắc phục mỗi khi đau yếu. Hàng ngày bà thường đọc kinh Phật để tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn của mình.

Bỏ nhà ra đi vì chồng khinh thường vợ

Cạnh giường bà H. là bà H.T.Ng. (64 tuổi) mới được con trai đưa đến viện dưỡng lão Diên Hồng vài ngày. Bà Ng. cho biết không ngờ có ngày phải khăn gói rời khỏi tổ ấm của chính mình để tránh nhìn mặt người mà bà từng yêu thương nhất.

img

Điều dưỡng viên cùng các cụ trong viện dưỡng lão làm chanh đào mật ong

Bà kể, nhà có hai đứa con. Cô con gái lớn đã lập gia đình còn cậu con trai ngoài 30 tuổi nhưng mải lo làm ăn chưa tính đến chuyện kết hôn. Vốn là giáo viên mầm non về hưu nên bà Ng. khéo léo chăm chồng, chăm con, vun vén nhà cửa, chu toàn mọi việc. “Nhưng ông chồng tôi về hưu hay “đá thúng đụng nia”, hay chơi lô đề, hút thuốc lá, khinh thường vợ. Cảnh vợ chồng ngồi ăn với nhau như gươm đâm vào mặt. Ở nhà không có người chia sẻ thấy cô đơn vô cùng”, bà Ng. nói và cho biết phải nhịn nhục rất nhiều để nhà cửa ấm êm, tránh người ngoài lời ra tiếng vào không hay.

Sống trong cảnh áp lực tinh thần với chồng, không tìm được sự động viên, chia sẻ khiến bà buồn, nhiều đêm nằm khóc thầm, mất ngủ, tóc bạc trắng, thậm chí bị trầm cảm nặng.

Được con cái ủng hộ, bà dồn toàn bộ số tiền lương hưu gần 4,5 triệu đồng của mình sau 33 năm làm cô giáo cùng sự hỗ trợ của con, bà đã quyết định vào viện dưỡng lão, mong được sống những ngày vui vẻ, không phải “đụng mặt” chồng mỗi khi thức giấc.

Báo hiếu mùa lễ Vu Lan: Mua ”sổ đỏ” nghĩa trang tặng bố mẹ

Để tỏ lòng thành kính đối với đấng sinh thành, nhiều người tìm nơi bán đất nghĩa trang đăng ký mua đất để báo hiếu.