Dân Việt

Giữa "lùm xùm" Trung Nguyên, ông lớn ngành sữa vẫn nhảy vào cà phê

Thuận Hải 22/08/2018 18:30 GMT+7
Được xem là ngành hàng có sức cạnh tranh khốc liệt với nhiều thương hiệu lớn từ nước ngoài lẫn trong nước, nhiều doanh nghiệp nông sản, thực phẩm vẫn muốn tìm cơ hội ở mảng cà phê.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng hiện đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn và lâu năm cả trong và ngoài nước.

Ngày 22.8, thêm một “ông lớn" ngành sữa là Nutifood tham gia vào thị trường này.

Tại buổi ra mắt, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood thông tin, vì có sự cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm trên thị trường khá đa dạng nên người tiêu dùng trong nước có nhu cầu cao về các sản phẩm cà phê sạch, không độc hại, có nguồn gốc xuất xứ từ thương hiệu tin cậy. 

img

Là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm sữa, Nutifood vừa dấn thân vào ngành hàng cà phê với sản phẩm Nuticafe'.

Sau một năm đầu tư vào ngành cà phê thông qua hợp tác xây dựng nông trường cà phê Phước An (Đắk Lắk), Nutifood đã cho ra thị trường sản phẩm Nuticafe’ – cà phê sữa đá tươi, được chế biến bằng công nghệ Ice Flash trích ly cô đặc cà phê ở nhiệt độ 0oC.

“Dấn thân vào lĩnh vực cà phê, Nutifood chia sẻ khát vọng muốn nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam bằng con đường chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh”, ông Hải nói.

Không chỉ Nutifood, thị trường cà phê dù đã có “trăm kẻ bán” nhưng vẫn còn là ngành hàng khá hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh ẩm thực, đặc biệt ở phân khúc cà phê chế biến tinh.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Vinamit cũng cho biết, sau thời gian thử nghiệm, doanh nghiệp này sắp tung ra thị trường sản phẩm cà phê tươi đông khô. Các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ sấy đông khô (frezze – dried).

Ông Lê Tân, Tổng thư ký Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam chia sẻ, nói về ẩm thực Việt, khách du lịch và bạn bè quốc tế đã biết đến phở, bánh mì kẹp thịt… nhưng còn rất nhiều món ngon khác chưa được biết đến rộng rãi, trong đó có cà phê sữa đá, một thức uống rất đặc sắc của người Việt.

Cà phê sữa đá Việt Nam cũng từng được hãng tin Bloomberg bình chọn là “Top 10 món đồ uống độc đáo nhất thế giới”, hãng tin CNN cũng gợi ý, bất cứ du khách nào đến Việt Nam cũng nên thưởng thức món cà phê sữa đá.

img

Dù thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm thấy điểm sáng ở ngành hàng cà phê, đặc biệt là các sản phẩm cà phê hòa tan, pha sẵn tiện lợi. 

“Trong quá trình đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, Hiệp hội cũng xác định mục tiêu phải quảng bá văn hóa cà phê sữa đá, một thức uống độc đáo của người Việt. Quảng bá sản phẩm này ra bạn bè năm châu cũng giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng cà phê trong nước khi sản phẩm bán được giá tốt hơn”, ông Tân nhận định.

Việt Nam hiện cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thế giới. Thông tin từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 7/2018, xuất khẩu cà phê đạt khoảng 1,1 triệu tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng 10,5% về lượng, nhưng giảm 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê nửa đầu tháng 7/2018 đạt mức 1.877 USD/tấn, giảm nhẹ so với 15 ngày đầu tháng 6/2018,  và giảm 17,5% so với 15 ngày đầu tháng 7/2017. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7/2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.924 USD/tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Cà phê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm nhân, chưa qua chế biến sâu. Giá trị mang lại do đó còn khá thấp. Hiện, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu các sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan… đồng thời, xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.