Thiếu và nguy cơ ô nhiễm
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Cù Lao Chàm vào mùa khô đã từng được nhắc đến nhiều năm qua và là nỗi trăn trở của lãnh đạo TP.Hội An và xã đảo Tân Hiệp.
Giếng cổ xóm Cấm 200 năm tuổi cũng có thời điểm bị mặn xâm nhập. Ảnh: T.H
Năm 2008, Cù Lao Chàm bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do nắng nóng kéo dài, để giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, máy bơm công suất lớn đã được huy động để bơm nước ngầm ở Bãi Ông nhưng chất lượng nước quá kém không thể sử dụng được.
Vào mùa mưa, lượng nước của các con suối cơ bản cung cấp đủ cho nhu cầu dùng nước sinh hoạt của người dân, nhưng vào mùa khô, từ tháng 4-8, lưu lượng trung bình của suối Bãi Bìm và suối Bãi Hương chỉ đạt từ 18,05-24,4% của năm; đó chính là lý do làm các nguồn nước này gần như cạn kiệt, dẫn đến thiếu nước trầm trọng.
“Đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 50% hộ dân khai thác nguồn nước ngầm để sử dụng trong mùa khô do tình trạng thiếu nước. Tuy nhiên, do đặc điểm địa chất - thủy văn, trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất toàn khu vực Hòn Lao chỉ thuộc loại trung bình với mức 1.263m3/ngày đêm” - ông Trần Tấn Dũng - Bí thư xã đảo Tân Hiệp nói.
Cùng với việc thiếu nước, chất lượng nước sinh hoạt cũng đang là vấn đề đáng quan tâm. Nếu như vào năm 2012, theo báo cáo của Trung tâm Môi trường (Đại học Đà Nẵng), chất lượng nước mặt của suối Bãi Bìm và suối Bãi Hương đảm bảo cho yêu cầu vệ sinh, ăn uống thì hiện nay, chất lượng nguồn nước này rất đáng báo động, nhất là vào mùa khô. Tình trạng chăn thả gia súc đầu nguồn nước và tình trạng rửa trôi, lắng đọng mùn bã hữu cơ là một trong nhiều nguyên nhân làm nguồn nước mặt bị nhiễm bẩn.
Lượng khách đến Cù lao Chàm rất đông trong những ngày hè.
Nguồn nước mặt đã vậy nhưng nguồn nước ngầm cũng không khá hơn. Kết quả khảo sát cho thấy, tầng chứa nước bề mặt (tầng Holocen) có độ sâu từ 7-10m hầu hết bị nhiễm bẩn do các nhân tố bề mặt như nước thải sinh hoạt ngấm vào. Một số chỉ tiêu hóa lý, vi sinh vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với nước dùng ăn uống, sinh hoạt.
Với đới nước khe nứt phức hệ Hải Vân nằm ở độ sâu từ 25-30m được cho là có chất lượng nước tốt hơn, nhưng cũng có dấu hiệu xâm nhập mặn, nhất là khu vực dọc bờ cách biển từ 50-100m. Giếng cổ xóm Cấm 200 năm tuổi, nguồn nước ngọt duy nhất trên đảo không bị nhiễm phèn, mặn nhưng cũng có thời điểm bị mặn xâm nhập.
Thiếu nước, khó phát triển du lịch
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến Cù Lao Chàm đạt 212.000 lượt khách, tăng 1,81% so với cùng kỳ. Việc gia tăng du khách sẽ kéo theo nguy cơ thiếu nước trên đảo. Và việc khống chế lượng khách đến Cù Lao Chàm là một trong những biện pháp giảm sức tải cho đảo trên mọi phương diện, trong đó có nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm: "Cù Lao Chàm không khuyến khích phát triển mạnh loại hình lưu trú cao cấp, vừa đảm bảo giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên của đảo, nhưng một phần cũng giữ cho Cù Lao Chàm không bị "thất thủ" do thiếu nước một khi lượng du khách lưu trú tăng vọt".
Ông Phan Đếnh - chuyên gia thuộc Công ty TNHH MTV Tư vấn địa chất mỏ Thiện Trung - dự báo, với hiện trạng cấp nước như hiện nay, đến năm 2020, lượng nước sinh hoạt cung cấp cho xã đảo sẽ thiếu hụt gần 13.000m3 và đến năm 2025 sẽ là hơn 48.000m3.
Được biết, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cũng đang triển khai xây dựng trạm xử lý nước cho hồ chứa Bãi Bìm, theo đó, nước từ hồ chứa sẽ được xử lý đảm bảo hợp vệ sinh trước khi cung cấp cho quân dân trên đảo.
Trong 2 năm 2017 - 2018, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã cấp cho xã Tân Hiệp 4 tỷ đồng để hỗ trợ mua máy lọc nước và mua bồn chứa nước inox cho các hộ dân tại xã đảo. Trong tương lai, theo ông Phan Đếnh, cần nghiên cứu xây dựng thêm hồ chứa nước mặt tại suối Bãi Hương để có đủ nước dự trữ cung cấp cho nhân dân và du khách trong mùa khô.