Nhận định này được nhiều người hưởng ứng khi hôm qua, 23.8, là ngày mà Mỹ dự kiến tăng mức thuế trung bình từ 10,2% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thủy sản.
Theo TS.Nguyễn Tiến Thông, Đại học Nam Đan Mạch, chiến tranh thương mại nếu xảy ra sẽ tác động trực tiếp, làm tăng giá nhập khẩu trung bình của hàng Trung Quốc vào Mỹ. Tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên do giá thấp hơn, còn xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm.
TS.Thông cho rằng nếu không có chiến tranh thương mại, Mỹ vẫn là thị trường lớn. Nếu chiến tranh thương mại có xảy ra thì giá sẽ không ảnh hưởng nhiều, lợi thế cho cá tra trong nước có khi còn cao hơn. Chỉ có vấn đề là áp lực từ nguồn cung của Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại chưa ảnh hưởng nhiều đến cá tra Việt Nam. Ảnh: Thuận Hải
“Vấn đề đặt ra là nguồn cung thủy sản của Trung Quốc sẽ đi đâu nếu không vào được Mỹ?” - TS.Thông đặt vấn đề. Lúc đó, Trung Quốc sẽ phải tăng cường tiêu thụ nội địa và tìm kiếm thị trường mới.
Các thị trường mới đó có thể là chính các thị trường mà cá tra Việt Nam đang có mặt. Như vậy, sự cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như mặt hàng Việt Nam nhập vào nước này cũng sẽ gia tăng. Theo đó, các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp sẽ là cá tra và cá rô phi của Việt Nam với cá chép và cá rô phi của Trung Quốc.
Với nhạy cảm thương mại, Trung Quốc sẽ tìm nhiều cách để đối phó. Cho nên, TS.Thông cho rằng, chiến tranh thương mại có xảy ra hay không, Việt Nam vẫn phải nỗ lực giữ bằng được thị trường Mỹ cũng như châu Âu.
Chính việc đảm bảo những điều kiện khắt khe từ thị trường này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước thay đổi cách làm ăn, thay đổi hình ảnh con cá tra và giá xuất khẩu. Khi đã vào được thị trường Mỹ, hoàn toàn có khả năng mở ra các thị trường khác ở cấp thấp như Trung Quốc, một số nước châu Mỹ.
“Tuy nhiên, hoạt động tiếp thị chung cho ngành cá tra còn ít. Ở thị trường Trung Quốc, hãy kể cho họ nghe một câu chuyện đẹp về cá sông, cá nguyên con - là thứ mà họ thích chứ không phải cá biển hoặc cá phi lê”, TS.Thông gợi ý.
Bà Ngô Nguyễn Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng cho rằng, sản phẩm cá tra Việt đã có mặt trên thị trường thế giới khá lâu và nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện chất lượng, giá cả. Nếu cuộc chiến thương mại có xảy ra thì cá tra cũng chưa thể bị ảnh hưởng ngay lập tức.
“Ví dụ, so với các mặt hàng khác, dư lượng kháng sinh có thể không ảnh hưởng nhiều bằng nhưng hình ảnh bị ảnh hưởng tệ hại hơn. Ngành cá tra còn phải làm nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị”, bà Hoàn nói.
Ngành thủy sản cần xây dựng hình ảnh tốt và kể câu chuyện đẹp về cá tra Việt Nam. Ảnh Nguyên Vỹ
Đồng tình, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết vẫn chưa thể đánh giá hết sức tác động của chiến tranh thương mại. Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá Trung Quốc không phải đối thủ cạnh tranh với tôm, thủy sản ở thị trường Mỹ.
Nếu cuộc chiến thương mại có xảy ra thì cũng chỉ tác động ở khía cạnh gián tiếp, ví dụ như gia tăng các sản phẩm thay thế... hiện thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đánh giá đúng mức các rủi ro có thể xảy ra để tránh bị động, tổn thất trong xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với Mỹ, Việt Nam vẫn còn vướng các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn hay mới đây là chương trình truy xuất SIMP... “Ngành thủy sản phải nỗ lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông qua việc cải tiến chất lượng, đảm bảo vấn đề thị hiếu và khả năng cung cấp”, ông Hòe nói.
Theo bác sĩ Paul S. Valle, Trường Khoa học thú y Na Uy, tại Mỹ và châu Âu, cá tra đang bị cạnh tranh với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết, cá lưỡi trâu... với mức giá rẻ hơn.
Việc tiếp cận thị trường của cá tra lại đang bị ngăn trở bởi nội bộ ngành và truyền thông. Cho nên trong “cuộc chiến cá thịt trắng”, cá tra đang yếu thế vì bị cho rằng đang gây ảnh hưởng bất lợi đến môi trường hoặc các cáo buộc tiêu cực khác. Thậm chí, đã có ý kiến phê phán cá tra Việt Nam vì không tạo ra được một sản phẩm cơ bản, khác biệt mà chỉ cạnh tranh về giá.
Việt Nam không nên quá lo lắng chuyện Trung Quốc mà nên tập trung vào công việc của mình. Công tác tiếp thị ở các thị trường khó tính sẽ tốn nhiều chi phí và công sức. “Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, cần phải có cơ chế đóng góp từ doanh nghiẹp và Vasep có trách nhiệm trong chuyện này. Việc định hình, tiếp thị sản phẩm hay là kể một câu chuyện theo cách riêng cần tiếp tục tập trung theo đuổi”, bác sĩ Paul S. Valle chia sẻ. |