Dân Việt

Sơn La: Lũ quét vừa qua, dân lại bấn loạn vì núi nứt từng ngày

Văn Chiến 29/08/2018 13:21 GMT+7
Đến nay đã hơn 1 tháng kể từ sau cơn bão số 3, hơn 40 hộ dân ở bản Lao (xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) vẫn đang phải sống tạm trong những căn nhà lụp sụp, chật chội, được dựng lên bởi những cột, kèo, ván gỗ đen nhẻm, dỡ ra từ nhà bếp. Đã thế dân còn bấn loạn bởi ở đây núi đang nứt từng ngày.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn xã Mường Bang xảy ra mưa to kéo dài, gây ra lũ quét, sạt lở đất đá, làm thiệt hại hoa màu và tài sản, công trình giao thông, thủy lợi, nhà làm việc của Đảng ủy và khối đoàn thể xã... 80 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp, trong đó bản Lao chiếm tới 70 hộ.

img

Đường vào bản Lao ghập ghềnh, lởm chởm đá các loại

“Ở lưng chừng dãy núi phía sau những ngôi nhà của các hộ dân bản Lao, xuất hiện vết nứt sâu, rộng, kéo dài mấy trăm mét, nguy cơ sạt lở cao. Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, hơn 40 hộ dân đã dỡ bếp, chuyển ra sân bóng của bản, cách nhà vài trăm mét, để dựng làm nơi ở tạm, cuộc sống rất khó khăn. Hơn 20 hộ còn lại, vì không có mặt bằng di chuyển, đành chấp nhận sống trong thấp thỏm, lo âu tại những ngôi nhà dưới chân núi. Ngày nào chúng tôi cũng phải gọi điện nhắc nhở Ban quản lý bản cảnh báo người dân, khi trời mưa phải sơ tán đến những nhà ngoài vùng nguy hiểm để trú nhờ” – anh Đinh Văn Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bang, chia sẻ.

img

Không dám ở nhà cũ vì sợ núi sạt lở, người dân bản Lao phải dỡ bếp, chuyển ra sân bóng dựng nhà ở tạm

Trước khi vào Mường Bang, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Đào Văn Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Phù Yên. Ông Nguyên tỏ rõ sự lo lắng khi nhắc đến Mường Bang và Bắc Phong. Đây là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên và cũng là 2 xã bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra trong thời gian gần đây.

“Số hộ của 2 xã Mường Bang, Bắc Phong nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, phải di dời là rất lớn. Tuy nhiên, huyện gặp nhiều khó khăn về mặt bằng để di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chúng tôi đã đi kiểm tra tình hình thực tế ở 2 xã và động viên người dân cố gắng khắc phục, di dời đến nơi an toàn ở tạm. Nếu tiếp tục mưa kéo dài thì...” – ông Nguyên lo lắng.

img

Hơn 1 tháng nay, người dân bản Lao phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ

Chúng tôi có mặt tại trụ sở xã Mường Bang khi mặt trời đã đứng bóng. Sau mấy ngày mưa liên tục, ở Mường Bang, trời nắng gắt, suối vẫn cuồn cuộn chảy.

Ngỏ ý muốn vào bản Lao xem núi nứt, người dân nơi đây sinh sống thế nào, anh Hợi thở dài ngao ngán: “Cách duy nhất vào bản Lao đó là đi bộ. Các anh muốn vào để tôi cử cán bộ “hộ tống” chứ để các anh tự đi, tôi không yên tâm. Đường vào bản Lao bình thường đã rất khó đi, sau mấy trận mưa lũ vừa qua lại càng khó đi bội phần. Nó được ví như “con đường đau khổ” bởi không chỉ dốc dựng ngược mà còn lởm chởm đá”.

img

Anh Chen cho biết: Đoàn cán bộ của tỉnh, huyện đã đến kiểm tra hiện tượng nứt núi ở bản Lao

Ngồi bên cạnh, anh cán bộ xã trẻ trung, năng động - Đặng Văn Thành, dân tộc Dao, là người bản Lao, nói chen vào: “Có thể đi vào bản Lao bằng xe máy anh ạ, nhưng phải cứng tay lái. Còn non tay lái thì tốt nhất là đi bộ, nếu không rất nguy hiểm”.

Đinh Văn Chung, cán bộ văn phòng UBND xã Mường Bang được chỉ định chở tôi bằng xe máy vào bản Lao. Vóc dáng cao to, vạm vỡ, anh cán bộ người Mường, ở xã Huy Hạ (Phù Yên) đến công tác tại xã Mường Bang đã hơn 5 năm. Anh Hợi cử Thành đi cùng chúng tôi để hỗ trợ khi gặp trở ngại.

Lội qua con suối ở đầu bản Bang (xã Mường Bang), nước ngập quá đầu gối, chúng tôi bắt đầu ngược dốc vào bản Lao. Đường vào bản Lao dốc dựng đứng, như xếp đá, chiếc xe máy chở chúng tôi cài số 1, ì ạch leo dốc. Không dưới chục lần, tôi phải xuống xe “cuốc bộ” vừa đi vừa bò, mặt chạm gối, còn Chung như “bơi” trên chiếc xe máy, vừa kéo ga, vừa dùng 2 chân đẩy.

img

Không có mặt bằng di chuyển, hơn 20 hộ dân bản Lao vẫn phải sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao

Hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng vượt qua 5km để có mặt tại bản Lao. Đứng ở đầu bản, chỉ tay về phía ngọn núi trước mặt, Thành bảo: “Từ chân núi lên tới chỗ nứt hơn 300m. Hơn 40 ngôi nhà phía dưới chân dãy núi, không có người ở đã hơn 1 tháng nay. Những hôm mưa to, em được lãnh đạo xã túc trực tại bản để nắm thông tin”.

Anh Bàn Văn Chen – Trưởng bản Lao, cho biết: Bản Lao có 90 hộ thì có tới 70 hộ nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời, vì núi nứt. Vết nứt sâu, rộng, kéo dài vài trăm mét.

“Ngày 21.7, cơn bão số 3 vừa tan, mưa cũng ngớt dần, tôi cùng cán bộ bản, lực lượng dân quân lên núi kiểm tra, phát hiện nơi lưng chừng núi có vết nứt vừa rộng, vừa sâu, kéo dài hàng trăm mét. Trước nguy cơ sạt lở núi, tôi vội vàng báo lên xã và vận động người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm. Tận dụng khu đất trống ở sân bóng, 46 hộ đã tháo dỡ bếp, chuyển ra đó dựng tạm làm nơi ở, thiếu thốn đủ thứ. Hơn 24 hộ không có đất dựng nhà tạm, đành ở lại nhà cũ” – anh Chen thông tin.

img

Vết nứt nơi lưng chừng dãy núi ở bản Lao kéo dài hàng trăm mét

Chị Đặng Thị Hoa, bản Lao, thở dài nói: “Nhà tôi nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Gia đình cũng muốn di dời nhưng không có mặt bằng nên bắt buộc phải ở lại. Mỗi khi trời đổ mưa, tôi và người thân trong gia đình phải chạy ra trường học trú tạm. Hơn 1 tháng nay, mọi người trong nhà tôi không đêm nào được ngon giấc, thấp thỏm sợ núi sập”.

Đi thăm nơi ở tạm của người dân ở sân bóng, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Những căn nhà lụp sụp san sát nhau, vì thiếu ván ghép nên không ít nhà phải chung vách. Nhà nào, nhà nấy cũng chật chội, cột, kèo gỗ đen nhẻm bởi khói bếp.

Căn nhà rộng hơn 20m2, vách hở thông thốc gió lùa của anh Bàn Văn Hồng, nằm giữa sân bóng. Trong nhà không có gì đáng giá, ngoài 4 chiếc giường kê xung quanh, dành cho 8 người ngả lưng khi trời tối. Anh Hồng than thở: “Khi trưởng bản thông báo, dãy núi sau nhà tôi có vết nứt, cần phải di chuyển, tôi tức tốc dỡ gian bếp, rồi chuyển ra sân bóng dựng tạm để ở. Nhà rộng không dám ở, phải chuyển ra đây sống trong bếp chật chội, thiếu thốn đủ thứ”.

Sinh sống trong những căn nhà dựng tạm, người dân bản Lao đang thấp thỏm mong chờ Nhà nước sớm bố trí mặt bằng để chuyển đến dựng nhà, ổn định cuộc sống.