Dân Việt

VnIndex gần chạm ngưỡng 1.000 điểm, Bầu Đức "thủng túi" vì HAG rơi ngược dòng

Nguyên Phương 30/08/2018 17:56 GMT+7
VnIndex xanh trở lại với mức tăng 9,9 điểm ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 30.8 khi dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, tập trung vào cổ phiếu bluechips, giúp cho tài sản chứng khoán của tỷ phú Trần Đình Long tăng mạnh. Riêng HAG rơi ngược dòng, khiến tài sản chứng khoán của Bầu Đức giảm 65,15 tỷ đồng, xuống còn 4.338,27 tỷ đồng.

Tỷ phú Trần Đình Long vượt qua ông Trịnh Văn Quyết

Lực bán mạnh, cộng với sự thận trọng của dòng tiền trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 30.8 khiến VnIndex sớm giảm điểm ngay khi thị trường mở cửa, thậm chí có thời điểm chỉ số mất hơn 5 điểm khi nhiều mã lớn giảm điểm trước áp lực bán gia tăng.

Song sau khi VnIndex lùi về ngưỡng 983 điểm, lực cầu bất ngờ gia tăng mạnh giúp VnIndex nhanh chóng hồi phục và tăng điểm trước khi phiên sáng khép lại.

Đà hưng phấn tiếp tục thể hiện trong phiên chiều. Dòng tiền chảy mạnh và tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips giúp nhóm này đồng loạt tăng điểm, từ đó lan tỏa sang những nhóm cổ phiếu khác.

Phiên giao dịch chiều 30.8 diễn ra khá tích cực với sắc xanh hiện diện trên cả 3 sàn. Theo đó, VnIndex đóng cửa tăng vọt 9,9 điểm (1%) lên 998,07 điểm; Hnx-Index tăng 0,81 điểm (0,71%) lên 113,59 điểm và Upcom-Index tăng 0,45 điểm (0,88%) lên 51,78 điểm.

img

VnIndex đóng cửa tăng vọt 9,9 điểm (1%) lên 998,07 điểm

Khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ với giá trị 17 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, họ bán ròng trên HoSE và mua ròng trên HNX, UpCom.

Áp lực bán ròng của khối ngoại tập trung chủ yếu vào cổ phiếu HPG với gần 2,8 triệu cổ phiếu, tổng giá trị 109 tỷ đồng. Dù vậy, sức cầu nội tích cực với 6,44 triệu đơn vị được khớp vẫn giúp HPG vẫn tăng nhẹ 50 đồng lên 39.650 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu khác trong top bán ròng của khối ngoại còn có VNM (69,53 tỷ đồng), VIC (60,4 tỷ đồng), DHG (19,2 tỷ đồng), VHM (18,22 tỷ đồng).

Ngân hàng tiếp tục là nhóm cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của VnIndex, trong đó nổi bật là BID tăng 3,7% lên 34.900 đồng; CTG tăng 2,2% lên 27.600 đồng; VCB tăng 1,1% lên 34.900 đồng...

Ở chiều ngược lại, VHM và VNM cùng giảm khá mạnh. VHM giảm 0,8% về 107.400 đồng và VNM giảm 0,7% về 156.500 đồng.

Cặp đôi cổ phiếu Bầu Đức đã diễn biến trái chiều, trong khi HNG tăng 2,7% lên 17.150 đồng, khớp lệnh 3,03 triệu đơn vị thì HAG lại giảm 1,4% về 6.890 đồng, khớp lệnh cao thứ 3 sàn HOSE với 7,03 triệu đơn vị.

img

Tỷ phú Trần Đình Long và ông Trịnh Văn Quyết đã đổi vị trí trên BXH những người giàu nhất TTCK Việt Nam sau phiên giao dịch ngày 30.8

Sự thay đổi về giá trị giao dịch của những cổ phiếu vốn hóa lớn trên TTCK Việt Nam phiên giao dịch hôm nay đã tác động không nhỏ tới tài sản chứng khoán của các tỷ phú USD Việt Nam.

Đáng chú ý nhất có lẽ là việc tỷ phú Trần Đình Long vươn lên vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam, đồng thời đẩy ông Trịnh Văn Quyết xuống vị trí thứ 5 do giá trị giao dịch của cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros giảm giảm 350 đồng (0,85%). Cổ phiếu ROS hiện cũng là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất, đồng thời được ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ nhiều nhất với 318.514.630 cổ phiếu, tương đương 67,3% của doanh nghiệp này.

Hiện tại, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long đã tăng lên 15.128,74 tỷ đồng, trong khi tài sản của ông Trịnh Văn Quyết chỉ còn 15.038,24 tỷ đồng.

Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản của 2 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo lần lượt tăng thêm 289,59 tỷ đồng và 288,73 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc cổ phiếu HAG rơi ngược dòng đã khiến tài sản chứng khoán của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) giảm 65,15 tỷ đồng (1,43%) xuống 4.338,27 tỷ đồng.

Lỗ ròng của Hoàng Anh Gia Lai tăng 23 tỷ đồng sau soát xét   

Theo BCTC soát xét nửa đầu năm 2018, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) ghi nhận doanh thu thuần 2.914 tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ năm trước nhưng giảm nhẹ so với báo cáo tự lập. Đồng thời giá vốn hàng bán tăng lên 1.486 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 24 tỷ đồng, xuống 1.428 tỷ đồng sau kiểm toán.

Doanh thu hoạt động tài chính không biến động, giữ ở mức 436 tỷ đồng, tuy nhiên, chi phí tăng gần 39 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá. Mặt khác chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm so với trước kiểm toán lần lượt 2 tỷ và 21 tỷ đồng.

img

Bầu Đức còn rất nhiều việc phải làm để cứu Hoàng Anh Gia Lai

Hậu kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm từ 140 tỷ đồng xuống còn 100 tỷ đồng. Trong đó, lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 34,5 tỷ đồng, tăng 23 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và cổ đông không kiểm soát có lãi gần 135 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý II ở mức 386 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty Bầu Đức trong báo cáo kiểm toán cũng giảm 35 tỷ đồng, đạt 55.071 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản dài hạn chiếm 86%. Chi phí xây dựng dở dang có giá trị lớn nhất trong cơ cấu tài sản với 16.559 tỷ đồng, tương đương 30% tổng tài sản, trong đó chi phí phát triển vườn cao su hơn 6.015 tỷ đồng, tiếp theo là cây cọ dầu 3.479 tỷ đồng và nhà máy thủy điện gần 3.380 tỷ đồng.

Theo báo cáo, đối với dự án thủy điện, công ty đã ký hợp đồng mua bán với Chaleun Sekong group (SCG) vào năm 2016 và 2018. HAG đã nhận được khoản tiền tạm ứng 2.248 tỷ đồng từ SCG.

Về nguồn vốn, HAG đang vay nợ 23.160 tỷ đồng với 87% là nợ vay dài hạn bao gồm trái phiếu và vay thế chấp.

Vừa qua, HAG của Bầu Đức đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương trong việc tái cơ cấu các khoản nợ vay và huy động vốn đầu tư chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái trong 2 năm 2019-2020. Đồng thời, Thaco sẽ đồng hành cùng đưa HNG và công ty con trở thành tập đoàn nông nghiệp lớn của Việt Nam.