Dân Việt

Xem lại việc phân cấp đầu tư cho địa phương

16/12/2011 20:57 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của hàng loạt dự án vì nhiều lý do.

Xung quanh vấn đề này, Dân Việt đã phỏng vấn GS - TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, có thể lý giải vì sao hiện nay tại các địa phương đang xảy ra tình trạng thu hồi hàng loạt các dự án đã được cấp phép đầu tư, chẳng hạn như tỉnh Lâm Đồng?

- Bắt đầu từ năm 2006 đã thực hiện việc phân cấp mạnh về đầu tư cho các địa phương. Lúc đó, các địa phương tha hồ thu hút đầu tư, được quyền quyết định cấp phép cho các dự án đầu tư nên có thể nói từ đó đến nay xuất hiện tình trạng "nở rộ" đầu tư. Riêng đầu tư nước ngoài, năm 2008, vốn đầu tư đăng ký được cấp phép của các dự án trên cả nước lên tới con số "khủng" 72 tỷ USD, năm 2009 là 21 tỷ USD, năm nay mới giảm xuống là 17-18 tỷ USD.

img
Một dự án đầu tư nước ngoài về nông nghiệp ở Lâm Đồng.

Chính vì cấp phép tràn lan, ồ ạt như vậy nên người ta đã không chú ý được đâu là nhà đầu tư tốt, thực sự muốn làm và dự án nào là không tốt. Giờ các địa phương phải thu hồi quá nhiều các dự án "vớ vẩn" chính là hậu quả của việc làm trên. Tôi cho xu hướng thu hồi các dự án đầu tư ở các địa phương sẽ còn tiếp diễn.

Nhưng việc thu hồi các dự án cũng là tín hiệu cho thấy, việc đầu tư các dự án đã được xem xét, đánh giá đúng thực chất hơn?

- Đây không phải việc làm gì tốt cả, mà đơn giản là việc khắc phục những điều xấu trong đầu tư. Nếu trước đó các địa phương cấp phép đầu tư chặt chẽ, tránh được việc các nhà đầu tư xí dự án, xí đất thì nay đâu phải thu hồi nhiều như vậy.

Theo ông, chúng ta rút ra được điều gì từ sự việc này?

- Đó là việc lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư phải xuất phát từ lợi ích của nền kinh tế, của địa phương, của người dân. Nhà đầu tư cũng phải lựa chọn người có tiềm năng thực sự để họ thực hiện được dự án. Tất nhiên, có yếu tố khách quan là do khủng hoảng kinh tế nên nhiều nhà đầu tư khó khăn.

Song chính vì thế chúng ta mới càng phải cân nhắc các nhà đầu tư thực sự có khả năng. Thời gian qua, chúng ta cấp phép các dự án kém phần lớn là do lỗi chủ quan của ta, chúng ta hầu như đã cấp cho các nhà đầu tư không có tiềm lực về đầu tư.

Bộ KHĐT đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét định hướng mới về thu hút đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Ông có cho rằng sẽ tránh được những bất cập về đầu tư ở các địa phương như trong thời gian qua?

- Bộ cũng đã xây dựng một định hướng mới về thu hút đầu tư, trong đó, hướng rõ ngành nào thu hút và ngành nào không nên thu hút đầu tư, dự kiến quý II/2012 sẽ trình Chính phủ ban hành. Tôi cho rằng, đây mới chỉ là cái gốc, bởi chúng ta còn cần phải xem xét lại việc phân cấp đầu tư cho các địa phương hiện nay để chấn chỉnh, bởi việc có nhiều dự án bị thu hồi hiện nay cũng bắt nguồn từ việc phân cấp này.

Việc "xem xét lại" ở đây cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Đã có nhiều tranh luận về việc phân cấp đầu tư cho các địa phương. Thực tế mà nói các địa phương sẽ "không chịu" nếu họ không được phân quyền, phân cấp. Do vậy, làm sao địa phương vẫn có quyền quyết định đầu tư nhưng Trung ương phải có chỉ dẫn, ví dụ sắt thép, điện... thì đầu tư ở đâu, bao nhiêu là vừa, tôi cho rằng, phải có quy hoạch ngành để các địa phương thực hiện khi được phân cấp.

Cá nhân tôi cũng cho rằng, phân cấp là đúng, bởi không bộ, ngành trung ương nào "ôm" tất được. Tuy nhiên, chúng ta không nên phân cấp một cách "cào bằng" như thời gian qua, mà mỗi tỉnh thành phải có sự phân cấp khác nhau, ví dụ Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... cần phân cấp mạnh và có kiểm soát, quản lý vì đây là các địa phương thu hút đầu tư lớn, mang nhiều đặc thù.

Chúng ta cũng nên tránh tình trạng phân cấp "hết sạch" để rồi có địa phương vì lợi ích của mình không nghĩ đến lợi ích chung của đất nước gây nên những "độc quyền địa phương" sẽ không tốt, biến địa phương thành một quốc gia thu nhỏ.

Xin cảm ơn ông!