Ông Nguyễn Xuân Tiến – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – trong cuộc họp HĐND mới đây đã nêu ra một vài con số: Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng có đến 322 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 56.600 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 685 dự án và vốn đăng ký được nâng tổng vốn đăng ký lên gần 96.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, trong năm 2011, Lâm Đồng đã ra quyết định thu hồi 45 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn lên đến gần 10.000 tỷ đồng và gần 30 triệu USD. Như vậy, trong 7 năm qua, trên địa bàn Lâm Đồng có đến 215 dự án đầu tư trong và ngoài nước bị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi – cao nhất so với các tỉnh còn lại trong khu vực Tây Nguyên.
“Do các chủ đầu tư thiếu quyết tâm triển khai, thiếu năng lực tài chính; một số dự án có dấu hiệu chờ cơ hội để sang nhượng trái phép…” là các nguyên nhân chính để UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi theo chủ trương vừa kêu gọi đầu tư và vừa chấn chỉnh kịp thời nhằm làm trong sạch môi trường đầu tư tại tỉnh này. Ngoài 45 dự án đã có quyết định thu hồi, hiện UBND tỉnh Lâm Đồng còn đang xem xét và rất có thể sẽ ra quyết định thu hồi hơn 40 dự án khác.
Trong số các dự án bị thu hồi, hầu hết là các dự án thuộc lĩnh vực thủy điện vừa và nhỏ, dự án thuộc lĩnh vực du lịch và dự án thuộc lĩnh vực nông – lâm nghiệp… Trong những dự án gây bức xúc nhất là dự án giao đất cho Công ty Giống bò sữa Lâm Đồng: Sau khi được giao 500ha đất để làm đồng cỏ chăn nuôi bò tại địa bàn huyện Đơn Dương, năm 2005, công ty đã cắt 100ha cho một doanh nghiệp đến từ Đăk Lăk thuê lại và cũng “mạnh dạn” cắt hàng chục ha khác cho chính người dân tại chỗ thuê lại theo hình thức “phát canh thu tô”.
Cũng trên địa bàn huyện Đơn Dương, năm 2002, tỉnh Lâm Đồng đã cho Công ty Apollo (Đài Loan) thuê gần 100ha đất theo chính sách ưu đãi đầu tư. Nhận xong đất, công ty chỉ sử dụng khoảng 10ha; diện tích gần 90ha còn lại, đơn vị này chỉ làm hàng rào rồi… để đấy!
Tại huyện Bảo Lâm, tỉnh đã ra 38 quyết định cho 38 doanh nghiệp hơn 12.000ha đất để sản xuất nông, lâm nhưng theo kiểm tra của Sở NNPTNT, trong suốt nhiều năm qua, các doanh nghiệp này chỉ mới trồng được khoảng 2.000ha rừng trong tổng số 5.223ha theo quy hoạch; diện tích còn lại không được quản lý tốt, để dân lấn chiếm, hoặc đã bị sang nhượng bất hợp pháp…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ông Nguyễn Xuân Tiến, nhấn mạnh: “Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư để đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, đồng thời với việc kiên quyết trong việc rà soát các dự án để kịp thời chấn chỉnh là việc làm cần thiết của tỉnh Lâm Đồng”.
Võ Khắc Dũng