Tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hồi phục
Sau phiên giao dịch sáng 5.9 với diễn giằng co do ảnh hưởng từ các bluechip nhóm ngân hàng cùng các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VHM, VJC, VIC... Tới nửa cuối phiên giao dịch chiều 5.9, lực bán bất ngờ gia tăng mạnh đẩy chỉ số VnIndex về quanh ngưỡng 965 điểm trước khi bước vào phiên ATC với sắc đỏ áp đảo trên bảng điện tử.
Trong phiên ATC, lực mua bắt đáy xuất hiện tại các mã trụ, vốn hóa lớn, nhưng cũng không quá cao chỉ có thể kéo VnIndex lên trên 968 điểm khi kết thúc phiên giao dịch hôm nay.
Đóng cửa phiên giao dịch, VnIndex giảm 7,5 điểm (0,77%) xuống 968,44 điểm; Hnx-Index giảm 0,76 điểm (0,68%) xuống 110,47 điểm và Upcom-Index giảm 0,95% xuống 51,06 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5.9, VnIndex giảm 7,5 điểm (0,77%) xuống 968,44 điểm (Ảnh: I.T)
Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức khá với giá trị khớp lệnh đạt 4.500 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khá mạnh với giá trị gần 200 tỷ đồng, trong đó riêng VNM đã bị bán ròng gần 140 tỷ đồng.
Trên HoSE, tâm điểm hôm nay thuộc về các mã vốn hóa lớn. Trong nhóm VN30, có đến 23 mã giảm, trong đó có những mã giảm sâu như GAS giảm 2,8% xuống 100.100 đồng; VNM giảm 2,7% xuống 125.500 đồng; VRE giảm 2,9% xuống 36.800 đồng; BVH giảm 2% xuống 88.500 đồng; PNJ giảm 2,5% xuống 97.500 đồng.
Ngoài ra, các cổ phiếu MSN, TCB, HPG, VPB, NVL, MBB, MWG, FPT, STB, TPB đều giảm từ hơn 1% đến 1,9%.
Tăng điểm ấn tượng nhất là sự hồi phục của VJC, sau khi giảm sàn phiên hôm qua thì đã tăng 4,5% lên 149.500 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên hôm nay. Các mã tăng còn lại là VHM tăng 1% lên 106.000 đồng/cổ phiếu; BID tăng 1,8% lên 33.100 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 0,6% lên 26.050 đồng/cổ phiếu; ROS tăng 1,6% lên 40.650 đồng/cổ phiếu, SSI tăng 0,7% lên 30.900 đồng/cổ phiếu; CTD tăng 0,6% lên 164.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VNM đứng đầu danh sách bị bán ròng của khối ngoại trên HoSE (Ảnh: I.T)
Khớp lệnh cao nhất là MBB với gần 7,1 triệu đơn vị; CTG đạt khối lượng khớp lệnh 6,67 triệu đơn vị; HPG có 4,6 triệu đơn vị được khớp lệnh; STB và SSI có 3,7 – 4 triệu đơn vị. Trong khi VJC, VNM, ROS, VCB, VRE, VPB khớp lệnh từ hơn 1 - 1,9 triệu đơn vị.
Về sự biến động tài sản của các tỷ phú USD trên TTCK Việt Nam, sau khi giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 4.9, cổ phiếu VJC của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã tăng 4,5% lên 149.500 đồng/cổ phiếu ở thời điểm đóng cửa phiên hôm nay. Sự hồi phục của cổ phiếu VJC đã giúp tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lấy lại 727,06 tỷ đồng (2,82%) sau khi đã giảm tới hơn 1.800 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 4.9.
Sự hồi phục của cổ phiếu VJC đã giúp tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 727,06 tỷ đồng
Trong khi đó, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giảm 434,38 tỷ đồng do cổ phiếu VIC giảm 600 đồng/cổ phiếu (0.59%) xuống còn 101.500 đồng/cổ phiếu sau phiên giao dịch hôm nay.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng giảm thêm 152,62 tỷ đồng do giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG chỉ còn 38.600 đồng/cổ phiếu.
Agribank, VietinBank, BIDV gia nhập "cuộc đua" tăng lãi suất huy động
Bên cạnh BIDV, 2 "ông lớn" khối ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước là VietinBank và Agribank mới đây cũng đã có động thái tăng lãi suất ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, trên biểu lãi suất huy động của VietinBank ngày 5.9, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,3%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 4,8%. Ngoài ra, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tăng 0,2% lên 5,3%. Các mức lãi suất kể trên là mức trần lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tại VietinBank.
Bên cạnh VietinBank, Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2% ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2% lên 6,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,1% lên 6,8%/năm.
BIDV trước đó trong ngày 4.9 cũng có thông báo cộng thêm lãi suất từ 0,1 đến 0,2%/năm cho người gửi tiền ở một số kỳ hạn khi gửi online. Trước đó, nhà băng này cũng đã tăng lãi suất thêm 0,2% đối với nhiều kỳ hạn ngắn.
Ngược lại, Vietcombank vẫn chưa cho thấy đâu hiệu gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động thời gian này. Lãi suất cao nhất của họ đang là 6,5% áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank đang thấp hơn khoảng 0,2% so với các NHTM có vốn Nhà nước khác và thấp hơn khoảng 0,5 đến 1,5% so với nhiều ngân hàng tư nhân.