Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo "Kinh nghiệm phát triển "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn" diễn ra sáng nay, 6/8/2018 tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm phát triển "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn” đúng thời điểm Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW HNTW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông). Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho biết những kiến nghị, đề xuất của Hội thảo sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tham khảo phục vụ Tổng kết cũng như góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới.
Vai trò chiến lược của "tam nông"
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tam nông có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ toàn diện nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Toàn cảnh hội thảo ""Kinh nghiệm phát triển "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" của Nhật Bản - Những bài học từ thực tiễn". Ảnh: Trọng Hiếu.
Trong 10 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, 8 năm (2010-2018) thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo nên một khu vực nông thôn với nhiều đổi thay rõ nét, kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ. Cả nước có trên 20.000 mô hình phát triển sản xuất đã tạo nên động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và chuyển biến.
Việt Nam đã bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và có một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới, trong đó nhiều nhóm hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng đầu thế giới như: Gạo, cà phê, hạt điều, tôm…; đời sống của đại đa số nông dân được nâng cao.
Đến nay, cả nước 3.420 xã (38,3.a2%) được công nhận đạt chuẩn NTM, đã có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. |
Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo tích cực đối với các giải pháp về: Xây dựng NTM cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn; chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh...
Bên cạnh đó là các Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT, chính sách tín dụng phục vụ phát triển NN-NT nhằm thiết lập được cầu nối giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, từng bước bảo đảm công bằng thương mại, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đây là những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm mục tiêu “không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Hội thảo có sự tham gia phát biểu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của các tổ chức, đơn vị đến từ Nhật Bản. Ảnh: Trọng Hiếu.
Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng KTXH hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh CN, DV, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giầu bản sắc văn hóa dân tộc”.
Tại buổi Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển nhanh và phức tạp tác động đến kinh tế nước ta, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phải cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường lớn; kinh tế nông thôn phá triển còn chậm, không đồng đều, chưa được khai thác hết tiềm năng, lợi thế; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, hợp tác xã) còn thiếu cả số lượng và chất lượng, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (theo đúng chuyên môn sản xuất sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động khu vực nông thôn đạt thấp...
Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn yếu và bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường... cùng các vấn đề về ô nhiễm môi trường, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất thường, hội nhập KTQT đang tạo áp lực ngày càng lớn cho các sản phẩm trong nước, sự dịch chuyển lao động trẻ có trình độ từ nông thôn ra thành thị, làm ảnh hưởng chung đến phát triển KTXH khu vực nông thôn, cũng như tiến trình và chất lượng xây dựng phát triển bền vững nông nghiệp – nông dân – nông thôn.
Bài học quý từ phát triển nông nghiệp ở Nhật Bản
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Nhật Bản là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng đã phát triển thành nước có nền kinh tế xếp thứ 3 thế giới với nền nông nghiệp hiện đại, thành thị và nông thôn phát triển mạnh mẽ, đời sống nông dân được bảo đảm và có các chính sách ASXH tốt.
Hiện nay, chỉ có khoảng 3% dân số Nhật làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng xuất khẩu nhờ nền nông nghiệp là cả một hệ thống công nghệ cao với chuỗi giá trị hiệu quả.
Hội thảo lần này với gần 400 đại biểu tham dự là lãnh đạo Hội NDVN, các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX, nông dân Việt Nam và đại diện Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản, Bộ Môi trường Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)...Ảnh: Trọng Hiếu.
Nông nghiệp- nông dân – nông thôn Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều nét tương đồng, cùng thuộc nền văn minh lúa nước với loại cây canh tác chủ lực là lúa gạo.
Sự thành công của Nhật Bản trong phát triển NN-ND-NT sẽ là những bài học thiết thực, kinh nghiệm quý báu; là cơ hội để cán bộ các bộ, ngành, địa phương tham dự Hội thảo này cập nhật những thông tin, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm hữu ích để có thể vận dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách cho những định hướng lớn về phát triển NN-ND-NT tại Việt Nam; nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển NN-ND-NT cũng như định hướng các chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh vào một trong những kinh nghiệm điển hình mà Việt Nam đã nghiên cứu, vận dụng đó là phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" (One village one product - OVOP) được thực hiện thành công tại Nhật Bản từ năm 1979 trong quá trình xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế đất nước nói chung, đã đặc biệt chú ý đến phát triển KTXH khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, chú trọng các nguồn lực tại chỗ sẵn có làm động lực phát triển (như: Đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ, lòng tự hào, khả năng sáng tạo, văn hoá...).
Trong đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, việc học tập những kinh nghiệm về phát triển tam nông của Nhật Bản để áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là rất thiết thực để có thể giải quyết được căn bản những yếu kém, thách thức nêu trên; đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21.9.1973).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ hai, đối tác du lịch thứ ba, đối tác thương mại thứ tư và đang hướng đến triển khai thực hiện Chương trình hợp tác nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tại Việt Nam trong tầm nhìn trung và dài hạn với kỳ vọng mục tiêu xây dựng thành công mô hình kiểu mẫu về hợp tác nông nghiệp trong khu vực...