Dân Việt

Việt Nam học hỏi điều hay từ tam nông Nhật Bản

Thu Hà (ghi) 06/09/2018 12:13 GMT+7
Sáng nay 6/9 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức “Hội thảo tập huấn kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản – Những bài học từ thực tiễn” Dân Việt xin lược trích và trân trọng giới thiệu đến độc giả bài phát biểu khai mạc hội thảo của đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN.

img

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2016 của Tổng cục thống kê, năm 2016 cả nước Việt Nam có 92.672 nghìn người, trong đó có 60.870 nghìn người cư trú ở nông thôn với lực lượng lao động nông nghiệp là 36.995 nghìn người, thể hiện rõ vai trò chủ thể của nông dân và Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm xây dựng nền nông nghiệp xanh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có sự đóng góp to lớn của giai cấp nông dân và Hội NDVN, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, luôn đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông nghiệp đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.

Từ một nước phải thường xuyên phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng nông sản, trong đó có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê… Năm 2017, giá trị nông sản xuất khẩu đạt mức kỷ lục 36,37 tỷ USD.

Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, nhờ đó nhiều vùng nông thôn đã đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xóa đói, giảm nghèo với tốc độ nhanh nhất thế giới. Trung bình mỗi năm khoảng 2% dân số thoát khỏi tỷ lệ đói nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72%.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thử thách lớn. Là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp nông dân, Hội NDVN có vai trò quan trọng trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, có trách nhiệm tổ chức vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đòi hỏi phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nhu cầu của nông dân hiện nay, các cấp Hội NDVN còn nhiều bất cập cả về tổ chức bộ máy, cán bộ cung như nội dung và phương thức hoạt động. Trình độ cán bộ Hội các cấp còn nhiều hạn chế. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để cán bộ Hội đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và đào tạo nông dân có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực là đòi hỏi cấp thiết đối với Hội NDVN hiện nay.

Nhật Bản, một nước có điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt, diện tích nhỏ, dân số lớn, nhưng đa phát triển nông nghiệp rất thành công, trở thành nước phát triển có nền kinh tế đứng đầu thế giới, nên công - nông nghiệp hiện đại, thành thị và nông thôn phát triển mạnh mẽ, đời sống nông dân được bảo đảm và có chính sách an sinh xã hội tốt.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nhật Bản đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và từ những năm 1967 -1969 nhờ áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, đã đáp ứng được hơn 80% nhu cầu lương thực trong nước. Mỗi giai đoạn lại đặt ra những vấn đề mới, phức tạp được Chính phủ Nhật Bản giải quyết khá thành công thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, như chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng, lao động, khoa học công nghệ và phát triển nông thôn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, do vậy, những vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay cũng là những vấn đề Nhật Bản đã giải quyết thành công trước đây và hiện nay. Chính vì vậy, việc học tập những kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nhật Bản để áp dụng vào điều kiện thực tế tại Việt Nam là rất thiết thực trong bối cảnh hai nước đã thiệt lấp quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và Nhật Bản đang quan tâm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam.

Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2018) và trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Hội NDVN và Viện Nghiên cứu Đông Á Nhật Bản, được sự phối hợp của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức “Hội thảo tập huấn kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản – Những bài học từ thực tiễn” với mục đích thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Từ đó, rút ra bài học đối với Việt Nam và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ Hội NDVN sẽ được tổ chức thự hiện trọng thời gian tới. Tôi mong rằng các quý vị đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao sẽ tham gia nhiệt tình, đóng góp những kinh nghiệm, các sáng kiến có giá trị cho hội thảo và cầu thị tiếp thu những kiến thức quý báu của Nhật Bản.