Xu hướng được ủng hộ
Mới đây nhất, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất phương án sáp nhập trung tâm GDTX và TTDN thành một với tên gọi là Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh. Có TTDN rồi, các huyện sẽ thiết lập đề án dạy nghề theo tình hình thực tế của địa phương để bắt đầu thực hiện từ năm 2012.
Dạy nghề sửa chữa máy tính cho lao động nông thôn tại Cần Thơ. |
Ông Quách Việt Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, hiện nay cơ chế hoạt động của nhiều TTDN còn bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu giáo viên, thiếu thiết bị dạy nghề, không được đầu tư. Nhiều trung tâm chỉ duy trì trong tình trạng cầm chừng, gây lãng phí. Trong khi đó, trung tâm GDTX cũng hoạt động èo uột vì thiếu đủ thứ, số lượng học sinh thấp. Vì vậy, việc hợp nhất hai trung tâm này thành một là cần thiết để có thể thống nhất nguồn đầu tư, thu hút học sinh thi trượt THPT vào vừa học nghề vừa học văn hoá.
Tháng 8.2011, UBND tỉnh Bến Tre cũng có quyết định sáp nhập 4 trung tâm GDTX vào Trung tâm kỹ thuật tổng hợp- hướng nghiệp (một dạng trung tâm tập huấn ngắn hạn nghề nông nghiệp cho nông dân) ở các huyện: Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại. Sau khi sáp nhập, trung tâm mới sẽ có 2 nhiệm vụ chính là dạy chương trình GDTX và hướng nghiệp, dạy nghề ngắn hạn. Các trung tâm đều đặt tại huyện, thuận lợi cho nông dân đi lại học nghề hoặc triển khai việc dạy nghề tới các thôn ấp.
Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho hay, tại nhiều huyện vùng sâu, vùng xa, cơ sở dạy nghề hầu như không có, nên không thể nói chuyện dạy nghề sơ cấp cho bà con. Vì vậy, Quyết định 1956 đã hướng tới hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề cho trung tâm GDTX ở những huyện chưa có TTDN để tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Trước mắt sẽ có khoảng 100 TTDN được hỗ trợ với mức 1 tỷ đồng/trung tâm.
Cần có đánh giá thực tế.
Tại nhiều tỉnh thành, không phải bây giờ việc “tích hợp” 2 trung tâm mới diễn ra, mà có nơi đã làm từ năm 1995-2000. Chẳng hạn, Trung tâm GDTX - Dạy nghề Thành phố Thanh Hoá được sát nhập 2 đơn vị là trường bổ túc văn hoá cấp 2,3 và Trung tâm Dạy nghề Thị xã Thanh Hoá từ năm 1995. Sau khi sáp nhập, trung tâm làm khá nhiều đầu việc như dạy bổ túc văn hoá trình độ THCS và THPT, dạy nghề hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động.
Trong trung tâm này luôn có song song 2 đối tượng học sinh: Học sinh học bổ túc và học sinh học nghề. Nhiều em vừa học bổ túc, vừa học nghề. “Từ năm 2004 Trung tâm đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức 17 lớp dạy nghề cho nông dân diện bị thu hồi đất với tổng số 640 học viên, gồm các nghề cơ khí-gò hàn, nấu ăn và dịch vụ du lịch, cắt may, tin học ứng dụng”- ông Cao Ngọc Năm - Giám đốc Trung tâm cho biết. Điểm lợi của mô hình này là giảm thiểu được lực lượng quản lý gián tiếp để tăng cường nhân lực là giáo viên cơ hữu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia làm công tác dạy nghề, nếu không có những chuẩn về đào tạo nghề thì các trung tâm này dễ rơi vào tình trạng học không đến nơi, hành không đến chốn vì đào tạo nghề thiếu chuyên nghiệp, thiếu máy móc và thiếu giáo viên chuẩn. Việc quản lý chồng chéo giữa 2 cơ quan chủ quản (Bộ GDĐT quản lý công tác dạy bổ túc văn hoá, GDTX; Bộ LĐTBXH quản lý về dạy nghề) sẽ dẫn tới nguồn nào đầu tư mạnh thì mảng ấy phát triển mạnh và lấn át mảng còn lại.
Chính vì vậy, theo ông Năm, cơ chế hoạt động của mô hình trung tâm dạng này cần được chuẩn hoá để thực sự đi được trên cả 2 chân về nhiệm vụ đào tạo.
Hồng Phúc