Hiện diện tích sắn cả nước khoảng 550.000ha. Các năm trước đó, tổng kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thường đạt hơn 1tỷ USD mỗi năm, thuộc tốp đầu thế giới. Có năm, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất 1,35 tỷ USD; năng suất sắn bình quân các vùng miền đạt từ 20 – 40 tấn/ha, lợi nhuận và sản lượng cao nhất ở Tây Ninh.
Dịch bệnh khảm lá sắn ảnh hưởng đến năng suất, làm sản lượng và trữ bột giảm. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tuy nhiên, dịch bệnh khảm lá sắn đang ảnh hưởng đến năng suất, làm sản lượng và trữ bột giảm, giá xuất khẩu và giá nguyên liệu tăng cao. Ông Lạng cho rằng, vùng nguyên liệu ở Tây Ninh hiện đã lây nhiễm bệnh đến 96%. Với tốc độ lây lan và ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay, mục tiêu 2 tỷ USD sẽ khó đạt được trong các năm tới.
Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cũng thông tin, diện tích sắn của tỉnh năm 2016 lên tới 61.636ha, năng suất bình quân 32,84 tấn/ha, cao nhất cả nước cả về diện tích lẫn năng suất. Tuy nhiên, dự kiến năm 2018 Tây Ninh sẽ chỉ còn khoảng 40.000ha sắn do dịch bệnh gây hại nghiêm trọng.
Theo ông Trong, nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến sắn hiện rất lớn. Năm 2017, khối lượng củ đưa vào chế biến khoảng 3,58 triệu tấn, bằng 94% so năm 2016. Con số này gần gấp 2 lần sản lượng sắn hàng năm của tỉnh và sản xuất được hơn 895.000 tấn bột. Các nhà máy chế biến đã phải nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn củ tươi từ Campuchia.
6 tháng đầu năm 2018, khối lượng củ sắn đưa vào chế biến khoảng 1,45 triệu tấn, bằng 85% so với cùng kỳ và sản xuất được 362.937 lấn bột. Khối lượng củ tươi nhập khẩu từ Campuchia còn 622.697 tấn, bằng 62,1 % so cùng kỳ năm 2017 (hơn 1 triệu tấn).
Những số liệu trên cho thấy nguồn cung cấp củ tươi cho chế biến sụt giảm mạnh là nguyên nhân để giá nguyên liệu củ tươi biến động và giá tăng liên tục đã kích thích người sản xuất không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.