Những năm qua, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước qua cổ phần hóa do việc định giá giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá trị thực tế, nhiều giá trị tài sản vô hình như thương hiệu doanh nghiệp, lợi thế thị trường, lợi thế độc quyền, giá trị đất đai ở một số vị trí đắc địa không được đánh giá đúng, nhiều doanh nghiệp bị bán với giá bèo bọt, tình trạng tài sản nhà nước mua vào luôn bị đánh giá cao lên, bán ra bị định giá thấp đi…
Trường hợp cổ phần hóa tại Cảng Khuyến Lương cũng đang khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về việc định giá doanh nghiệp gây thất thoát tài sản nhà nước và dấu hiệu “trục lợi” từ quỹ đất khổng lồ doanh nghiệp này đang được sử dụng.
Định giá Cảng Khuyến Lương "giá bèo"?
Cảng Khuyến Lương được thành lập theo Quyết định ngày 11.10.1985 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đơn vị trực thuộc Xí nghiệp Liên Hiệp vận tải biển pha sông (nay là Công ty CP Hàng hải Đông Đô) với nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa cho đội tàu pha sông biển tại khu vực Hà Nội. Trụ sở cảng được xây dựng tại thôn Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội (nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai).
Năm 2005, Bộ Giao thông vận tải ra Quyết định tách Cảng Khuyến Lương về làm đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Đến năm 2010, Hội đồng quản trị Vinalines có quyết định chuyển Cảng Khuyến Lương thành công ty TNHH MTV với 24 mã ngành nghề kinh doanh. Trong đó, sản phẩm và dịch vụ chủ yếu là: kinh doanh khai thác cảng, kinh doanh vận tải và kinh doanh thương mại.
Sau khi được cổ phần hóa, Cảng Khuyến Lương không được đầu tư cải thiện hạ tầng...
Trong quá trình hoạt động, Cảng Khuyến Lương đã đạt được nhiều thành tích như: Đón nhận bằng khen của Thủ tướng vì đã có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Huân chương lao động hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng; Cờ thi đua, bằng khen Tập thể lao động xuất sắc nhiều năm liền của Bộ Giao thông vận tải…
Theo tài liệu phương án cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương, thực trạng về tài sản nguyên giá doanh nghiệp này theo giá trị kế toán tại ngày 31.3.2013 là hơn 40,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị thực của Cảng Khuyến Lương, sau khi đã trừ đi giá trị đã khấu hao chỉ còn hơn 19,7 tỷ đồng.
Trong đó, các loại tài sản hữu hình như: nhà cửa, vật kiến trúc; máy móc thiết bị quản lý, phương tiện vận tải, truyền dẫn, thiết bị dụng cụ quản lý được xác định nguyên giá là hơn 39,1 tỷ đồng. Sau khấu hao, tài sản hữu hình này chỉ còn hơn 19,4 tỷ đồng.
Riêng tài sản không cần dùng chỉ được xác định nguyên giá với giá trị là hơn 1 tỷ đồng, trong đó, tài sản phương tiện vận tải, truyền dẫn có giá trị lớn nhất. Sau khi trừ khấu hao, tài sản không cần dùng của Cảng Khuyến Lương là hơn 292 triệu đồng.
Ngoài ra, các khoản phải thu gồm ngắn hạn và dài hạn của Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương là hơn 17,4 tỷ đồng. Nhưng các khoản doanh nghiệp này phải trả cũng gần 17 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong phương án cổ phần hóa, căn cứ theo Quyết định số 1576/NQ-HHVN ngày 11.6.2013 của Vinalines, Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương có tổng giá trị thực tế hơn 57 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tại Công ty này là hơn 40 tỷ đồng. Tổng số tiền hoàn vốn ngân sách là 18,7 tỷ đồng.
Hoạt đông kinh doanh chính của Công ty Cổ phần Cảng Khuyến Lương đang có dấu hiệu sụt giảm.
Năm 2014, Công ty TNHH MTV Cảng Khuyến Lương được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần Cảng Khuyến Lương, hiện Vinalines đang chiếm 49% vốn điều lệ. Hoạt động kinh doanh chính của cảng là dịch vụ bốc xếp, vận tải hàng hoá và kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng.
Theo báo cáo tài chính năm 2017, sau 4 năm cổ phần, sản lượng hàng hóa thông qua có dấu hiệu sụt giảm.
Hơn 10 ha đất “bằng không”
Tại thời điểm chuẩn bị cổ phần hóa, Cảng Khuyến Lương đang sử dụng 4 khu đất tại địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Sau khi cổ phần hóa, phương án sử dụng đất là vẫn tiếp tục thuê đất của nhà nước, trả tiền hàng năm và không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp.
Cụ thể, khu đất số rộng 99.140 m2 (9,9 ha) tại phường Trần Phú và Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày 3.8.2005, Cảng Khuyến Lương chính thức được Chủ tịch UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, thời hạn cho thuê là 30 năm (từ năm 2004 đến 2034).
Gần 10 ha đất Cảng Khuyến Lương đang được sử dụng không đưa vào tài sản định giá doanh nghiệp này.
Khu đất thứ 2, được cấp theo văn bản năm 1979 của UBND TP Hà Nội nằm trên địa bàn tổ 21 phường Trần Phú, quận Hoàng Mai để xây dựng làm nhà ở, nhà làm việc của bến phà Khuyến Lương, Cảng Khuyến Lương tiếp nhận bàn giao từ Xí nghiệp Quản lý giao thông TW 208 có diện tích 3.250 m2 (0,3ha). Thửa đất này được chia làm 2 phần: 1.889m2 đất lắp đặt trạm bơm nước phụ vụ sản xuất kinh doanh của Cảng Khuyến Lương, nhà tắm công nhân, nhà y tế…01 hộ gia đình; 1361 m2 còn lại đã bố trí cho 27 cán bộ, công nhân của Cảng Khuyến Lương ở, đang làm thủ tục bàn giao về địa phương quản lý.
Khu đất thứ 3 là thửa đất khu B thuộc tổ 8, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai có diện tích 1.046m2 hiện đang được Cảng Khuyến Lương xây dựng làm khu kho chứa hàng tránh lũ. Năm 2012, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Cảng thuê để tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm kho trung chuyển hàng hóa.
Khu đất thứ 4 là thửa đất tại ngã ba Yên Sở và Đế Mơ (đường Tam Trinh) có diện tích 2.265,6 m2 xây dựng nhà ở, hiện các hộ gia đình là cán bộ công nhân viên Cảng đang sử dụng.
Bên cạnh 4 khu đất trên, Cảng Khuyến Lương còn có 132 lao động, trong đó có 26 lao động có trình độ Đại học và trên Đại học.
Một trong nhiều nghi vấn đang được dư luận đặt ra, việc sở hữu hơn 10 ha đất của doanh nghiệp có trở thành một “miếng mồi” hấp dẫn cho các đơn vị tư nhân tham gia vào mua cổ phần hay không? Và sau cổ phần hóa, 10 ha đất này có được sử dụng đúng mục đích hay không?
Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc.