Dân Việt

8X nuôi loài chim hiền như cục đất, mỗi tháng lãi ròng 6 triệu đồng

Sông Măng 09/09/2018 13:30 GMT+7
Với sức trẻ, lòng đam mê và dám nghĩ, dám làm, anh Lê Hoài Hận (SN 1984), ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An mạnh dạn phát triển mô hình nuôi bồ câu Pháp-loài chim hiền như cục đất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế...

Hoàn thành chương trình THPT, anh Hận nung nấu ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh bắt đầu tìm hiểu nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên trong và ngoài tỉnh và cuối cùng ấn tượng với nuôi chim bồ câu Pháp. Từ đó, anh tự mày mò, học hỏi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu ngoại này trên sách, báo và một số trang trại hiệu quả ở huyện Củ Chi, TP.HCM...

img

Mô hình khởi nghiệp của anh Lê Hoài Hận được đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã đến tham quan, học tập  kinh nghiệm nuôi bồ câu Pháp.

Vượt khó khởi nghiệp làm giàu

Năm 2013, với vốn kiến thức tích lũy được cùng số tiền hơn 10 triệu đồng dành dụm sau những ngày lao động ở TP.HCM, anh vay thêm ngân hàng 15 triệu đồng, bắt tay vào khởi nghiệp. Từ 30 cặp bồ câu ban đầu, đến nay, anh có được 700 cặp bồ câu sinh sản.

Anh Hận chia sẻ: “Chuồng nuôi bồ câu đơn giản, nhưng phải thoáng mát, khô ráo, đủ ánh sáng và sạch sẽ. Hàng tháng, người nuôi cần vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng và rửa máng ăn, máng uống hàng ngày. Thức ăn cho bồ câu chủ yếu là cám, lúa, bắp (hoặc lúa mì), cho ăn 2 lần/ngày. Riêng bồ câu con, người nuôi cần cho ăn thêm mỗi ngày 1 lần”.

Bồ câu Pháp có khả năng sinh sản rất đều và cao. Mỗi con mái sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Bồ câu non sau 30 ngày tuổi thì có thể xuất chuồng bán thương phẩm. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh xuất bán gần 100 cặp bồ câu thương phẩm với giá 55.000 đồng/con nặng từ 0,5kg trở lên; sau khi trừ chi phí, lãi hơn 6 triệu đồng.

Hướng đến chăn nuôi bồ câu sạch

Hiện nay, chim bồ câu của gia đình anh chủ yếu được các thương lái thu mua về cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM. Anh Hận cho biết: “Bồ câu Pháp có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thời gian sinh trưởng ngắn và đầu ra ổn định. Vì vậy, tôi đang bàn với gia đình mở rộng quy mô chuồng trại và tăng số cặp bồ câu sinh sản”.

Anh dự kiến vay thêm ngân hàng trên 50 triệu đồng, đầu tư trang trại theo hướng công nghiệp sạch, bảo đảm an toàn sinh học, tăng số lượng đàn bồ câu giống lên 4.000 cặp, đồng thời, mua 1 máy ấp trứng.

Theo anh Hận, bồ câu tự ấp theo kiểu truyền thống tỷ lệ nở đạt thấp (do trong quá trình ấp trộn, trứng bị bể) trong khi người nuôi sử dụng công nghệ ấp máy hiện đại đạt từ 80-90%.

img

Giống bồ câu Pháp thích hợp với môi trường nuôi nhốt, kháng bệnh cao

Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Tập - Đặng Thị Ngọc Giàu thông tin: “Hiện Đoàn xã quan tâm, hỗ trợ anh Hận thực hiện ước mơ khởi nghiệp. Bên cạnh liên tịch tạo điều kiện về nguồn vốn, Đoàn xã còn thường xuyên định hướng về thị trường, tư vấn kỹ thuật chuồng trại và chăm sóc để mô hình phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao”.

Nuôi bồ câu Pháp hiện mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thời gian gần đây, mô hình khởi nghiệp của anh Lê Hoài Hận được nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm./.